Kinh tế xã hội
Tăng cường phòng chống buôn lậu trên các tuyến giao thông
14:30, 14/05/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Với vị trí nằm trên tuyến quốc lộ Bắc - Nam, có cảng biển, đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, Nghệ An có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương và phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra lô hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thu giữ được |
Hoạt động trên các tuyến
Ông Trần Đăng Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nghệ An cho biết: “Hoạt động buôn lậu trên địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, diễn ra trên cả đường bộ, đường thuỷ, đường không, tập trung chủ yếu tại khu vực biên giới các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và các huyện vùng biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Chỉ tính riêng trong quý I/2018, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 2.567 vụ với tổng số tiền gần 68 tỉ đồng. Trong đó, xử lý 1.560 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, hàng cấm, nhiều vụ việc đã chuyển khởi tố hình sự”.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến gian lận thương mại, hành vi trốn thuế, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. Vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng nhằm đưa ra thị trường lừa dối người tiêu dùng để trục lợi. Buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm gia súc gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, hàng không đảm bảo chất lượng và các điều kiện theo quy định. Gần đây xuất hiện các mặt hàng là sản phẩm động vật, gia cầm, thủy, hải sản không qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhập từ Trung Quốc về Nghệ An và qua Nghệ An vận chuyển vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ. Do các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát gắt gao nên đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng manh động, bất chấp pháp luật.
Ở tuyến đường bộ, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở tại các cửa khẩu để vận chuyển hàng hoá vào các chợ, trung tâm thương mại, bến xe. Hàng hoá nhập lậu như pháo, điện thoại, máy tính, ma tuý... được chia nhỏ cho vào các túi xách, va ly, giấu trên người để trà trộn vào xe khách. Tại các tuyến đường biên giới, hầu hết các đối tượng đều lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Khi lực lượng chức năng lập chốt chặn 24/24 giờ tại các điểm “nóng” để đấu tranh thì lập tức các đối tượng lại chuyển sang đường mòn khác. Thậm chí, khi cơ quan chức năng tiến hành bắt bất ngờ, thì các đối tượng tháo thân, “bỏ của chạy lấy người”.
Tại các tuyến đường sắt, lợi dụng việc vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn và chỉ kiểm tra xác suất các lô hàng, do vậy các đối tượng đã giấu hàng hóa buôn lậu vào trong các bao hàng lớn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát. Điều đáng nói, trong số những vụ buôn lậu bị phát hiện trên tuyến đường sắt thời gian qua, có cả ma túy và pháo nổ. Thực tế này cho thấy mức độ nghiêm trọng trong hoạt động buôn lậu trên tuyến đường sắt.
Còn tại tuyến đường thuỷ, tội phạm về kinh tế diễn biến phức tạp trên các tuyến biển và hầu hết các tuyến sông, kênh rạch. Đặc biệt là tình hình nhập lậu thuốc lá ngoại, vật liệu xây dựng, quần áo, vải các loại, đồ chơi trẻ em… do Trung Quốc sản xuất; buôn lậu thuốc lá ngoại, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép, kinh doanh xăng dầu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó phổ biến là làm giả bằng thuyền trưởng, máy trưởng như đã xảy ra ở một số địa phương.
Tình hình phức tạp nhất trên đường thủy là tình hình tội phạm hình sự, trong đó nổi lên là hoạt động của bọn tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản trên tuyến biển và một số tuyến sông ở các huyện. Bọn tội phạm trộm cắp cũng hoành hành trên hầu hết các tuyến đường thủy nhưng tập trung chủ yếu là tại các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu. Phát hiện nhiều vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất nổ để đánh bắt, khai thác thủy, hải sản trái phép trên tuyến sông Lam.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ
Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng, việc hình thành các tụ điểm, đường dây buôn lậu, gian lận thương mại là mặt trái của cơ chế thị trường và tồn tại ngay cả ở các nền kinh tế phát triển. Vì vậy, việc quyết liệt đấu tranh và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh luôn được xem là một nhiệm vụ vừa trọng tâm, cấp bách, vừa lâu dài.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến QL1A, Trạm CSGT Diễn Châu thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 1 xe ôtô khách chở hơn 1 tấn pháo do nước ngoài sản xuất |
Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn, Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho rằng, Ban chỉ đạo 389 các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, bộ, ngành Trung ương và UBND cấp tỉnh. Các lực lượng chức năng tập trung tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, nhận diện, xác định được các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng và nắm bắt, nhận diện được các thủ đoạn mới nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tại các địa phương cần xác định rõ và giao trách nhiệm chính cho các lực lượng như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn tại cửa khẩu; lực lượng Công an tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển hàng lậu, nhất là từ khu vực các cửa khẩu; lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả trên thị trường nội địa; lực lượng Công an, QLTT phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với lực lượng chức năng có địa bàn trọng điểm.
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải đặc biệt quan tâm, trong công tác tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, cơ quan báo, đài, các đoàn thể và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được lan tỏa đến quần chúng nhân dân. Qua đó, người dân hiểu, chủ động tố giác các hành vi vi phạm, không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường thanh, kiểm tra công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định rõ và quy trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi tiếp tay cho buôn lậu.
Trâm Anh