Kinh tế xã hội
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Chưa bao giờ hết 'nóng'
(Congannghean.vn)-Sử dụng thực phẩm an toàn là nhu cầu bức thiết hàng ngày của người dân. Trên thực tế, dù các ban, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn là vấn đề nan giải, đòi hỏi sự chung tay, trách nhiệm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền và từ chính người dân.
Cán bộ Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra tang vật trong 1 vụ vi phạm an toàn thực phẩm |
Cùng với cả nước, từ ngày 15/4, Nghệ An triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các cấp ban, ngành. Cứ đến dịp này, câu chuyện thực phẩm bẩn lại được nhắc đến. Thực tế, thời gian qua, đảm bảo an toàn thực phẩm đã không còn là nhiệm vụ của một cá nhân, tổ chức nào mà trở thành trách nhiệm chung của các lực lượng liên quan.
Tuy nhiên, trước yêu cầu bức thiết về việc sử dụng thực phẩm an toàn, đòi hỏi các đơn vị chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên, chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay là “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Bởi, chỉ người sản xuất và lưu thông thực phẩm mới đảm bảo chắc chắn thực phẩm của họ có an toàn hay không.
Theo đó, trong thời gian diễn ra “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” sẽ mở những đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Thực hiện kế hoạch của tỉnh, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) - đơn vị chủ công trong Công an Nghệ An về lĩnh vực đảm bảo ATVSTP đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh kịp thời với các vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Bởi dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở từ những bài học nhãn tiền về các trường hợp bị phát hiện, xử lý nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn cố tình dùng mọi cách để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Phòng cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, Công an các đơn vị, địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh này.
Riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, Phòng CSMT đã phát hiện 12 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng. Phối hợp với các lực lượng chức năng trong Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra 23 cơ sở, ra quyết định xử phạt 8 cơ sở với tổng số tiền 68.450.000 đồng.
Cảnh sát Môi trường kiểm tra số thực phẩm không rõ nguồn gốc thu giữ được |
Điển hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, hồi 8 giờ ngày 9/5/2018, tại xóm 4, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Phòng CSMT Công an Nghệ An phối hợp với Công an huyện Diễn Châu phá thành công Chuyên án 4189H, bắt quả tang hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào chế biến thủy sản. Chủ cơ sở vi phạm là bà Nguyễn Thị Nga (SN 1965) trú tại xóm 4, xã Diễn Hải.
Phòng đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, thu giữ tang vật gồm 500 thùng sứa có trọng lượng 3.500 kg đã đóng gói; 100 kg sứa chưa đóng gói (toàn bộ sứa chưa trộn hóa chất); 40 kg hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ (nghi hóa chất của Trung Quốc). Hiện, Phòng CSMT đang phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nghệ An tiến hành lấy mẫu hóa chất thu được gửi đi giám định và hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào hồi 11 giờ ngày 12/4, tại cổng chợ Vinh thuộc phường Hồng Sơn, TP Vinh, Tổ công tác Đội 4, Phòng CSMT kiểm tra xe ôtô BKS 51C-107.11, do anh Nguyễn Chính Lâm (SN 1989) trú tại Ấp 1, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều khiển, phát hiện trên xe vận chuyển 965 gói cà phê có tổng trọng lượng 5.005 kg không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Quá trình giám định chất lượng số cà phê trên không đạt chuẩn. Hiện, Phòng CSMT đã ra quyết định xử phạt hành chính và chuyển đổi mục đích sử dụng đối với số cà phê trên.
Trên thực tế, vấn đề an toàn thực phẩm chưa bao giờ hết “nóng”, không chỉ trên bàn ăn mỗi gia đình mà còn được nhắc nhở thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các diễn đàn, nghị trường. Bởi vậy, dư luận mong muốn, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” không chỉ dừng lại ở việc nêu khẩu hiệu chung chung, một lúc một giờ mà cần nâng cao nhận thức, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để người dân không phải điêu đứng vì thực phẩm bẩn.
Tuệ Trang