(Congannghean.vn)-Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong năm 2016, diễn biến của thời tiết nắng nóng, khô hạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có Nghệ An. Để đối phó với tình trạng này, thời gian qua, Nghệ An đã tập trung thu hút nguồn vốn tu sửa, nâng cấp, gia cố các công trình thuỷ lợi, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai và ổn định cuộc sống của người dân.
Tập trung thu hút vốn đầu tư
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.490 km2), hệ thống sông ngòi dày đặc, có nhiều công trình thuỷ lợi, hồ, đập lớn, nhỏ. Đặc thù về địa hình đã góp phần đắc lực trong hoạt động tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, nhiều công trình được xây dựng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước đã xuống cấp, hư hỏng.
Trước thực trạng trên, việc tu bổ, nâng cấp các công trình này là vấn đề mang tính cấp bách, vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Do vậy, việc thu hút đầu tư vào các công trình thuỷ lợi là một trong những vấn đề được tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng “vào cuộc”.
Hồ chứa nước bản Mồng, hệ thống đầu mối tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp - công trình thuỷ nông lớn nhất khu vực Bắc miền Trung đang được khẩn trương thi công |
Thời gian qua, Nghệ An đã tích cực kêu gọi đầu tư, triển khai hàng loạt dự án phát triển hạ tầng thuỷ lợi trên địa bàn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được trên 2.000 tỉ đồng để hoàn thành, sửa chữa và xây mới gần 200 hồ chứa nước lớn, nhỏ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã cho lập và phê duyệt gần 100 dự án nâng cấp các hồ chứa nước với tổng kinh phí gần 1.200 tỉ đồng. Hàng năm, UBND tỉnh cũng ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho các công trình hồ chứa, đập dâng với kinh phí từ 80 - 100 tỉ đồng.
Liên quan đến việc tập trung thu hút đầu tư để nâng cấp, xây dựng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai có hiệu quả các dự án trên địa bàn.
Nhiều công trình thuỷ lợi đã và đang thực hiện có hiệu quả như: Dự án ngăn mặn, giữ ngọt sông Hoàng Mai (700 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc); nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Bắc (5.700 tỉ đồng từ nguồn vốn JICA); dự án hồ chứa nước bản Mồng (trên 4.400 tỉ đồng)… Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đang lập dự án và đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư nâng cấp, tu sửa 49 hồ chứa nước trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.000 tỉ đồng.
Chủ động ứng phó với thiên tai
Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có khoảng hơn 700 hồ, đập lớn nhỏ. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, hiện nay, mực nước của tất cả các hồ, đập đều xuống thấp. Trong tổng số các hồ, đập có dung tích nước đạt theo yêu cầu trên 70% thì hiện nay cũng chỉ có 17 hồ, đập. Và, mực nước như hiện nay sẽ xuống thấp hơn nữa nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, hạn hán kéo dài.
Để ứng phó với hạn hán, thời tiết có khả năng nắng nóng kéo dài và đến sớm so với cùng kỳ năm 2015, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vụ Xuân 2016, tăng cường gia cố hồ, đập trên địa bàn. Các ngành chức năng cũng khuyến cáo, người dân cần sử dụng nguồn nước ngọt một cách hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt.
Riêng đối với hệ thống hạ nguồn các sông, việc gia cố đê điều, bờ kè dân sinh cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, đối với các huyện, thị nơi cửa biển như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, công tác chống xâm thực của nước biển cũng đang được khẩn trương thực hiện, với các giải pháp hữu hiệu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.