Kinh tế xã hội
Hệ thống ngân hàng trước những tác động từ TPP
(Congannghean.vn)-Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư và có thể sẽ trở thành hạt nhân để hình thành FTA chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với những nội dung có tính bước ngoặt, nếu được ký kết thông qua, đây được xem là hiệp định thế kỷ, tạo động lực cho những đổi thay mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi mà Hiệp định mang lại, lĩnh vực ngân hàng sẽ đối mặt với không ít thách thức...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 35 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng thương mại, trong đó có 11 ngân hàng thương mại Nhà nước, 20 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 ngân hàng hợp tác xã, 2 ngân hàng khối chính sách, 1 Hội sở Ngân hàng TMCP Bắc Á. Ngoài ra, còn có 1 chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Bắc Trung bộ, hoạt động vì lợi ích của người gửi tiền, phối hợp với NHNN trong việc giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong thời gian qua, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã không ngừng đa dạng hóa hoạt động, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để “phủ sóng” mạng lưới ATM và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Với 240 cột ATM và 760 POS đã tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân dễ dàng và thuận tiện trong giao dịch. Tuy nhiên, so với hệ thống ngân hàng trên thế giới, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng còn đơn điệu, tính tiện ích chưa cao, công nghệ có phần lạc hậu.
TPP tạo cơ hội cũng như thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng trên địa bàn |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế - ngân hàng, việc gia nhập TPP cho phép các doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế có thêm cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phát triển mạng lưới kinh doanh, thị trường, tạo cơ sở quan trọng để các ngân hàng có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính và dịch vụ ngân hàng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tận dụng để phát triển mạnh về quy mô, đa dạng hóa dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh.
Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường sẽ buộc các ngân hàng trong nước phải tăng cường hợp tác, sáp nhập, hợp nhất, tái cấu trúc, đổi mới hoạt động và tăng khả năng tích lũy, tích tụ để trở nên mạnh hơn, chiếm được thị phần cao hơn, từ đó giữ vững được vị trí của mình trước xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế.
Điều đó có nghĩa là vị thế của các ngân hàng ở Việt Nam sau sáp nhập, tái cơ cấu sẽ được nâng lên mạnh mẽ cả về lượng và chất; không những sẽ giúp thị phần trong nước được kiểm soát, bảo vệ, tăng trưởng mà còn là cơ sở để phát triển kinh doanh ra các nước khác trong khối, góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển bền vững.
PGS.TS Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh cho biết: TPP tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản. Ngoài ra, cơ hội kinh doanh từ các nguồn vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Từ đó, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn.
Các NHTM Việt Nam cũng có nhiều khả năng nới “room” thêm nữa cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, TPP cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt với ngành nghề mang tính đặc thù và nhạy cảm như ngân hàng. Việc gia nhập TPP đặt ra yêu cầu cho các ngân hàng Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị hoạt động, quản trị rủi ro. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm của hệ thống NHTM Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của hội nhập và thực hiện các cam kết, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Trong khi đó, việc gia nhập TPP đòi hỏi môi trường pháp lý phải được cải thiện để thực hiện các cam kết quốc tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khuyến khích các luồng vốn chảy vào trong nước thông qua đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà TPP mang lại chính là sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt trên thị trường ngân hàng nội địa với sự tham gia ngày càng sâu rộng của các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các chế định tài chính đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Chiến lược “bán lẻ” của các ngân hàng nước ngoài với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ đa dạng, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng điện tử, công nghệ ngân hàng hiện đại, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp… là những vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.
Mặt khác, gia nhập TPP có thể làm tăng các giao dịch vốn và rủi ro của hệ thống ngân hàng trong điều kiện cơ chế quản lý chưa thật sự hoàn thiện, nhất là cơ chế thanh tra, giám sát, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các NHTM Việt Nam... Việc mở “room” tuy giúp các ngân hàng nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn nhưng cũng làm gia tăng sức ép bị thâu tóm hay chịu sự chi phối của các ngân hàng Việt Nam.
Viễn cảnh các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực sản xuất - thương mại đã từng bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối, thao túng có thể lặp lại đối với lĩnh vực ngân hàng. Trong khi đó, TPP đặt ra yêu cầu cao về khả năng kiểm soát tiền tệ của NHNN Việt Nam trong điều kiện mở cửa thị trường tài chính ngân hàng. Bởi, gia nhập TPP cũng đồng nghĩa với việc thị trường tiền tệ Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn trước những biến động nhanh nhạy của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, do vậy rất dễ tạo ra những rủi ro hệ thống cho các NHTM Việt Nam.
Để tránh được rủi ro này, công tác thanh tra, giám sát vĩ mô và giám sát từ xa của NHNN phải dựa trên tiêu chuẩn thanh tra, giám sát quốc tế, đây là điều mà NHNN Việt Nam chưa có được.
Theo ông Nguyễn Văn Hợi, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam tại Nghệ An, để chuẩn bị cho những nội dung được thông qua tại Hiệp định TPP, hệ thống các ngân hàng phải chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa, không ngừng thay đổi để phù hợp với yêu cầu của các nước và đặc điểm của các ngân hàng trong hệ thống và trên thế giới.
Có thể thấy, nếu Hiệp định TPP được thông qua, việc kịp thời nắm bắt những cơ hội để vươn lên khẳng định mình luôn là sự lựa chọn thông minh của tất cả các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, xác định trước những thách thức để kịp thời đổi mới là việc làm cần thiết mà các ngành nghề kinh tế, nhất là lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng phải thực hiện. Có như vậy mới có thể mang lại những kết quả tăng trưởng tích cực như những gì mà nước ta đã đạt được vào khoảng thời gian gia nhập WTO vào năm 2007.
Mai Hậu