Kinh tế xã hội

Sẽ sớm có chính sách hỗ trợ nhân dân sản xuất sản phẩm an toàn

10:27, 18/11/2015 (GMT+7)

Nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát làm rõ trách nhiệm của Bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương- Ninh Thuận chất vấn các bộ trưởng    Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương- Ninh Thuận nêu trực trạng, bây giờ ở nông thôn không chỉ có phân bón rẻ mà nông dân còn đối diện với vật tư nông nghiệp rẻ và kém chất lượng. Thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi... tất cả đều có thể mua phải hàng giả. Thay lời cử tri, đại biểu trăn trở: Giải pháp gì là giải pháp cụ thể để hữu hiệu và cứu nông dân trước nạn vật tư nông nghiệp giả và kém chất lượng như hiện nay?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh- TP Hải Phòng đề nghị Bộ trưởng cho biết, tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như Báo cáo của Bộ đã nêu, song tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng do chính sách ta đưa ra chưa đủ răn đe hay sự thiếu quyết tâm của Bộ.

Đại biểu chất vấn, trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành Phát triển nông thôn trước cử tri cả nước như thế nào mỗi khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước, xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc

Trả lời các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chia sẻ với những bức xúc mà các đại biểu đã thể hiện. Bộ trưởng cho biết, bản thân cũng nhận thức rất rõ yêu cầu và mong đợi của nhân dân cũng như trách nhiệm của mình trong việc quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm. Bộ trưởng khẳng định, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải cố gắng hết sức mình làm tất cả những gì mình làm được theo quyền hạn và trách nhiệm để chấn chỉnh tình hình và tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhân thức; Thứ hai, xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách; Thứ ba, hỗ trợ dân dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và vật tư chất lượng tốt; Thứ tư, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; Thứ năm, tăng cường năng lực của hệ thống để thực nhiệm vụ được giao, cả trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng cho biết, các giải pháp đó Bộ đã triển khai thực hiện nhiều năm và có những tác động tích cực nhưng chủ yếu ở mức độ kiềm chế, không để tình hình xấu hơn. Tuy nhiên, cũng có một số mặt cải thiện nhưng chưa bền vững.

Gần đây, một số việc xấu đi như tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện và cũng công bố để báo chí đưa tin và các đại biểu cũng đã thấy.

Bộ đã giám sát tình hình an toàn thực phẩm và cũng có báo cáo với Quốc hội, 9 tháng đầu năm nay giám sát thấy rằng 1% thủy sản, 10% rau, 7,6% thịt có dư lượng vượt mức cho phép. Vấn đề nhân dân không phân biệt được đâu là an toàn và chỗ nào không an toàn nên có cảm giác không an toàn ở hầu hết, thực tế không phải như vậy.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh- Hải Phòng chất vấn các bộ trưởng

Bộ trưởng cũng cho biết, về cơ sở pháp lý thì đến giờ này chúng ta cũng có luật, có nghị định có quyết định của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều thông tư đã được ban hành. Chính việc triển khai hướng dẫn tổ chức sản xuất rồi kiểm tra, giám sát tới hàng triệu hộ nông dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa đủ sâu rộng để tạo ra sự chuyển biến căn cơ. Sản xuất nông, lâm, thủy sản có hàng triệu hộ tham gia, riêng trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật có 103 doanh nghiệp sản xuất, hơn doanh nghiệp 200 kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ, muốn tạo sự chuyển biến phải kiểm soát được toàn bộ lực lượng này.

Theo Bộ trưởng, xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, bộ máy và nguồn lực để thực hiện hạn chế, ở địa phương gặp khó khăn về bộ máy nhân lực. Bộ trưởng dẫn giải, như ở Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Tuyên Quang chỉ có 7 người, ở Bình dương có 10 người cấp huyện và cấp xã không có cán bộ chuyên.

Về kinh phí cũng có một số địa phương thiếu ngân sách thực hiện, rất nhiều địa phương báo cáo một năm ngoài tiền lương được chi 300 đến 500 triệu để thực hiện các nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Trước tình hình đó, Bộ trưởng nhận thấy giải pháp cho giai đoạn tới phải tiếp tục đẩy mạnh 5 giải pháp như đã báo cáo. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi, tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm. Những ngày này, Bộ đang phối hợp với Bộ Công an kiểm tra rất quyết liệt và đã bắt nhiều doanh nghiệp với tang chứng và xử lý nghiêm. Trước sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm đặc biệt ở phía Nam. Bộ trưởng cho biết, qua xét nghiệm các mẫu thức ăn, trước đây bình quân 16%, trong tháng này còn 3% đến 4% mẫu dương tính.

Thứ hai, phải tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ máy. Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm bố trí cán bộ, kinh phí, phương tiện cho anh em làm việc.

Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thông rất cần phải có sự phối hợp mạnh mẽ của các ngành, các cấp và các đoàn thể. Bộ trưởng cho rằng, dùng chất cấm, phun thuốc bừa bãi không thể qua mắt được nhân dân, nên chính các đoàn thể có thể giúp Bộ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Thứ tư, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị với Quốc hội khi xem xét Luật hình sự, thì sửa đổi Điều 155 và Điều 244 để có cơ sở pháp lý mạnh để xử lý những vi phạm rất nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Điều 155 về sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Vì chất cấm như Salbutamol, cấm trong chăn nuôi nhưng dùng để chữa bệnh. Chất vàng ô, cấm trong chăn nuôi, cho vào thức ăn chăn nuôi thì con gà thịt vàng, người tiêu dùng thích, nhưng lại gây ung thư. Nhưng trong công nghiệp dùng nó để làm chất nhuộm.

Điều 244 nói rằng nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới xử lý, tức là phải lăn ra chết mới xử lý. Ăn thực phẩm ít khi nào bị thế, nên điều đó không xử lý được. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét và cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính sẽ tăng mạnh mức xử phạt đối với các vi phạm.

Thứ năm, chúng ta không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý, mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn và phải hỗ trợ nhân dân sản xuất sản phẩm an toàn và người tiêu dùng nhận biết được đâu là an toàn. Để làm được điều đó chúng ta cần phải có những chính sách mạnh hơn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ sớm đề xuất những chính sách như vậy.

 

Nguồn: quochoi.vn

Các tin khác