Kinh tế xã hội

Bảo tồn, phát triển bền vững rừng đặc dụng Săng Lẻ (Tương Dương)

Khi người dân là chủ thể

09:11, 18/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Rừng săng lẻ nằm ở hai bên QL7A thuộc xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, lâu nay không chỉ được biết đến là điểm lý tưởng mỗi khi dừng chân thưởng ngoạn núi rừng sinh thái Miền Tây mà còn là khu rừng đặc dụng với trữ lượng lớn gỗ quý, hiếm, biểu tượng cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây. Với ý nghĩa quan trọng này, tại Quyết định 4639 ngày 12/10 của UBND tỉnh, khu rừng săng lẻ đã được đưa vào quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng đến năm 2020.

Rừng săng lẻ tại bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương thuộc vùng lõi với 53,85 ha trong tổng số 187,75 ha rừng đặc dụng được phục hồi. Đây là rừng tự nhiên, cơ bản thuần loài, phần lớn diện tích là cây săng lẻ cao 30 - 40 m, chu vi tựa vòng tay một người ôm trọn.

Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: Khu rừng này có từ rất lâu đời, gắn bó với người dân nơi đây. Từ trước đến nay, rừng được quy hoạch trong rừng sản xuất nên vẫn còn tình trạng bị xâm hại, chặt phá. Cùng với đó là cơ chế giao khoán, bảo vệ đối với chủ rừng còn bất cập và cả biện pháp xử lý các trường hợp khai thác, lấn chiếm rừng vẫn chưa đủ sức răn đe, giáo dục nên việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn.

Với mục đích bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững rừng đặc dụng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường; nhằm huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế vào hoạt động bảo tồn, phát triển; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, mức sống của người dân để phục vụ công tác an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, UBND tỉnh đã phê duyệt đưa vào quy hoạch rừng săng lẻ từ nay đến năm 2020.

Rừng săng lẻ (Tương Dương) được đưa vào quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng đến năm 2020
Rừng săng lẻ (Tương Dương) được đưa vào quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng đến năm 2020

Theo nội dung quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng được thực hiện với tổng diện tích trên 1.336 ha, trong đó bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng hiện có trên địa bàn xã Tam Đình và trên 1.094 ha diện tích vùng đệm ở 2 xã Tam Đình và Tam Quang. Các phân khu chức năng được quy hoạch gồm: 53,85 ha diện tích bảo vệ nghiêm ngặt và 187,75 ha diện tích phục hồi sinh thái.

Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có nhiệm vụ: Bảo vệ toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng, cảnh quan thiên nhiên; nghiêm cấm các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên, suy giảm đến khối lượng, chất lượng của khu rừng; các hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã; cấm việc thả, nuôi, trồng các loài động, thực vật đưa từ nơi khác đến mà trước đây các loài này không có trong khu rừng đặc dụng; cấm khai thác tài nguyên sinh vật và các tài nguyên tự nhiên khác gây ô nhiễm môi trường; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, các chương trình giáo dục về bảo tồn thiên nhiên hay các hoạt động du lịch (tất cả hoạt động này phải được thiết kế cụ thể trên các tuyến nhất định) phải theo đúng nguyên tắc, không làm thay đổi cảnh quan của khu rừng.

Biện pháp quy hoạch, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, cảnh quan môi trường giao cho tổ bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra và phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vào rừng vi phạm đến các tài nguyên rừng.

Theo quyết định được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng săng lẻ đến năm 2020 là 12.573.244.000 đồng. UBND tỉnh giao Hạt Kiểm lâm Tương Dương quản lý và bảo vệ.

Hạt Kiểm lâm căn cứ vào quy hoạch được duyệt phối hợp với các phòng, ban liên quan, chính quyền 2 xã Tam Quang, Tam Đình để thực hiện việc giao khoán bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, ưu tiên cho các hộ, nhóm hộ đã và đang nhận khoán bảo vệ trong vùng lõi rừng đặc dụng. Đồng thời, phối hợp với ban quản lý các bản xây dựng các nội quy, quy chế, hương ước và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng theo kế hoạch hàng năm.

Bên cạnh đó, các hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo khuyến lâm, các cơ chế chính sách, công tác phối hợp với các ngành được thực hiện nhằm tăng thu nhập cho người dân vùng đệm, giảm thiểu áp lực tiêu cực vào vùng lõi của rừng đặc dụng thông qua cơ chế tạo việc làm cho người dân từ các hợp đồng giao khoán, khoanh nuôi và bảo vệ; hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, trồng các cây dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng hay hoạt động du lịch sinh thái.

Xuân Thống

Các tin khác