Kinh tế xã hội

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Còn những 'nút thắt' cần tháo gỡ

16:18, 17/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Những kết quả đáng kích lệ

Với chủ trương đẩy mạnh công tác dạy nghề, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, trong những năm qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực đào tạo tại các cơ sở dạy nghề với tổng kinh phí 209.221 tỉ đồng.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2010 - 2014, đã có 268.213 LĐNT tham gia học nghề, đạt 84,13% so với chỉ tiêu đề ra tại Quyết định 3846/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách đề án là 40.493 người (người học nghề nông nghiệp chiếm 49,75%, người học nghề phi nông nghiệp chiếm 50,25%). Số LĐNT sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn là 30.029 người, đạt 74,1%.

Sau khi được đào tạo nghề, người lao động đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất
Sau khi được đào tạo nghề, người lao động đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất

Cùng với đó, nhiều địa phương, các hội, đoàn thể đã khảo sát, tổ chức dạy thí điểm các mô hình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các huyện, thị xã đạt kết quả cao. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 140 lớp dạy nghề mô hình cho 4.544 người với tỉ lệ lao động có việc làm, thu nhập ổn định đạt trên 80%.

Kết quả đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh tăng từ 30% năm 2009 lên 46% năm 2014. Qua đó, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cần tháo gỡ những “nút thắt”

Tuy công tác đào tạo nghề đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, song lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận rằng, thực tế công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều khó khăn, bất cập. Số lao động được hỗ trợ học nghề còn thấp. Vẫn còn tình trạng một số LĐNT sau học nghề không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định, lâu dài.

Cơ cấu đào tạo nghề còn bất cập, chủ yếu đào tạo các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp. Công tác đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, những nghề phục vụ các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động còn gặp khó khăn do người lao động không có nhu cầu học, vì khả năng phát huy nghề được đào tạo là rất khó.

Một bộ phận LĐNT chưa nhận thức được vai trò của đào tạo nghề, thiếu nghiêm túc trong học tập, có tâm lý tham gia cho có phong trào, học chiếu lệ, “được chăng hay chớ” nên sau khi đào tạo, nhiều lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Năng lực đào tạo của một số cơ sở dạy nghề còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ dạy và học nghề đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo nghề trong giai đoạn mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Sỹ Tuyến, Phó trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Trên thực tế, Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lao động sau khi học nghề không có việc làm, hoặc tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, trong đó một phần là do người lao động chưa nhận thức rõ vai trò của việc học nghề. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng người lao động tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau học nghề”.

Đặng Duyên

Các tin khác