Kinh tế xã hội
Kinh nghiệm từ khơi dậy sức dân
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức của toàn dân, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2015, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh thẩm định và công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương nằm ở phía Tây - Tây Nam của tỉnh Nghệ An, diện tích tự nhiên 8.794 ha, với 1.145 hộ dân, 4.414 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Thái, Khơ Mú, Tày Poọng, phân bố ở 9 bản làng. Đồng chí Mạc Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thạch Giám là một trong những xã miền núi nghèo của huyện Tương Dương. Địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới trong điều kiện trên địa bàn chưa có mô hình xã nông thôn mới để học tập và làm theo, do đó trong quá trình thực hiện, xã phải tìm tòi, vừa học, vừa làm và tự rút kinh nghiệm. Vượt qua những khó khăn, với sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, phát huy truyền thống xã “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, bộ mặt nông thôn của xã Thạch Giám ngày càng đổi mới, khang trang.
Cơ sở hạ tầng của xã Thạch Giám từng bước hoàn thiện, đồng bộ |
Thạch Giám là một trong 2 đơn vị được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Tương Dương. Đảng bộ và nhân dân xã nhà xác định rõ, đây là chương trình lớn, có tính chất chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian đầu khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn khi kinh tế địa phương chủ yếu là thuần nông, xuất phát điểm còn thấp, các ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao; đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, địa phương chỉ đạt 4/19 tiêu chí.
Tuy nhiên, khắc phục mọi khó khăn, xã quyết tâm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2015. Đảng bộ xã đã họp và đánh giá cụ thể về từng tiêu chí chưa đạt, đưa ra các nguyên nhân và giải pháp để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự đoàn kết, thống nhất của người dân trong xã, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã khơi dậy được nội lực, sức mạnh trong nhân dân.
Ngay từ năm 2011, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể thành viên, chọn ra các tiêu chí khó thực hiện nhất để triển khai thực hiện, từ đó làm cơ sở thúc đẩy việc hoàn thành các tiêu chí khác. Để thực hiện nhiệm vụ trên, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, giúp nhân dân hiểu rõ, nắm bắt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Nhà nước. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác hiến đất, hiến cây, đóng góp tiền, ngày công lao động, làm hệ thống thủy lợi, xây dựng đường giao thông nông thôn; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững.
Sau 5 năm thực hiện, xã Thạch Giám đã hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng cơ sở. 100% hộ dân được sử dụng điện, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,87%, xã đã xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn thiết chế văn hóa cơ sở, 9/9 bản đạt danh hiệu văn hóa, trên 72% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Có được kết quả trên là nhờ sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của nhân dân. Trong số gần 62 tỉ đồng huy động từ các nguồn lực, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện và các doanh nghiệp, trong 5 năm, nhân dân đã tích cực đóng góp vào việc thực hiện chương trình với số tiền gần 17 tỉ đồng.
Ngày 25/8/2015, Thạch Giám đã tổ chức lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là xã 30a đầu tiên trong 63 huyện nghèo của cả nước đạt được kết quả này. Xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng đã khó thì ở nơi vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lại càng khó hơn. Câu chuyện về sự thành công trong xây dựng nông thôn mới tại Thạch Giám là một minh chứng của câu nói “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Xuân Thống