Kinh tế xã hội

Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch UBND xã ở Nghệ An

Đổi thay diện mạo nông thôn mới ở miền núi

08:47, 06/11/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Ngày 26/1/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 170/QĐ-TTg về việc phê duyệt dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã (sau đây gọi tắt là Dự án 600) thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước. Nghệ An có 3 huyện miền núi gồm Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong được áp dụng thí điểm Dự án 600 với chủ trương tăng cường trí thức trẻ về các huyện nghèo. Sau gần 5 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, tạo bước chuyển biến sâu rộng trong việc làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã nghèo.

Tăng cường sức trẻ về vùng khó khăn

Sau thời gian đảm nhiệm công việc điều hành trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, 26 đội viên tham gia Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã tại các xã đặc biệt khó khăn ở 3 huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong bước đầu đã tiếp cận được với công việc, đồng thời nhanh chóng làm quen với tập quán canh tác, sinh hoạt của người dân bản địa. Họ đã có nhiều sáng kiến cải tiến áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, được bà con lắng nghe và làm theo một cách hiệu quả.

Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đổi với các trí thức trẻ được tăng cường về các xã nghèo trong Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã của tỉnh Nghệ An
Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đổi với các trí thức trẻ được tăng cường về các xã nghèo trong Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã của tỉnh Nghệ An

Bên cạnh đó, họ còn là người tiên phong tham gia đề xuất ý kiến đóng góp xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Nhiều đội viên đã bám sát cơ sở, qua đó nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Ngoài ra, những trí thức trẻ còn là lực lượng đi đầu trong việc tiếp cận những chương trình, dự án mang tính sát thực, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua một thời gian thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây cũng là chủ trương đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cấp xã ở các huyện nghèo.

Theo đó, dựa trên yêu cầu công tác, đội ngũ trí thức trẻ này đã có nhiều đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là tăng năng suất lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo, góp phần thay đổi diện mạo thôn bản, tạo tiền đề để các xã cùng chung tay xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, họ còn mang đến một “luồng gió mới”, làm thay đổi lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cấp xã theo hướng tích cực hơn. Tất cả các Phó Chủ tịch UBND xã trong dự án đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ít người trong số họ còn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những đổi thay tại các bản làng nghèo, những câu chuyện về cô kỹ sư nông nghiệp lặn lội cùng bà con tiến hành việc nhân giống mới hay chuyện một cử nhân tin học nỗ lực đưa công nghệ thông tin đến từng thôn, bản... khiến nhiều người rất vui mừng và tự hào về những cống hiến, nỗ lực của thế hệ trẻ. Những trí thức trẻ tham gia dự án với nhiều tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau nhưng có cùng một ý nguyện, hoài bão là đem tri thức đến với những vùng sâu, vùng xa.   

Tuy nhiên, đây là dự án thí điểm, vì lần đầu tiên thực hiện việc đưa trí thức trẻ tình nguyện về đảm nhận vị trí cán bộ xã. Còn thực tế, trên phạm vi cả nước, số lượng trí thức trẻ được phân công làm cán bộ công chức địa phương rất lớn. Thông qua dự án này để rút kinh nghiệm, từ đó triển khai trên diện rộng trong thời gian tới.

Xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong là địa phương thực hiện thí điểm theo Dự án 600 ngay từ ban đầu. Theo đó, đồng chí Vi Văn Điểm, tốt nghiệp ngành Quản lý kinh tế - Đại học Kinh tế quốc dân được tuyển chọn giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã từ năm 2011. Sau khi nhận nhiệm vụ, với kiến thức được trang bị khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Điểm đã vận động bà con trồng cây bo bo mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn xã đã trồng được gần 30 ha loại cây này, dự kiến cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ha/năm. “Thời gian đầu mới về địa phương, do thói quen canh tác lạc hậu của bà con nơi đây nên trong quá trình công tác, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian làm quen, thực hiện thí điểm mô hình trồng cây bo bo mang lại giá trị kinh tế cao, người dân thấy hiệu quả nên đã thực hiện triển khai tại các bản trong xã”, anh Điểm cho biết.

Với việc nhân rộng mô hình trồng cây bo bo và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có thể nói, đây là một trong những thành quả bước đầu của công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã Nậm Nhoóng. Đây cũng là một trong những mô hình mà 26 Phó Chủ tịch UBND xã thuộc Dự án 600 đã làm được trong thời gian qua.

Thành công từ sự đồng thuận

Tại một số địa phương khác trên cả nước, việc dự án sắp kết thúc, các Phó Chủ tịch UBND xã sắp hoàn thành nhiệm vụ đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 của các xã nơi họ đang công tác, hơn 3/4 trong số họ không được bầu vào cấp ủy. Nghĩa là, những người này khó được quy hoạch chức danh trong bộ máy cán bộ, công chức của xã trong nhiệm kỳ tới. Thực tế cho thấy, họ không trúng cử không phải vì yếu về năng lực… mà là do quan niệm của phần lớn người dân địa phương, họ xem các trí thức trẻ là “người của dự án”, nên “đến rồi sẽ đi”.

Các trí thức trẻ đưa tiến bộ KH-KT về áp dụng trong chăm sóc cây trồng                                     cho người dân vùng khó khăn
Các trí thức trẻ đưa tiến bộ KH-KT về áp dụng trong chăm sóc cây trồng cho người dân vùng khó khăn

Tại Nghệ An, trong số 26 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc Chương trình 30a thì sau Đại hội Đảng các cấp vừa qua, có 22 người được bầu vào cấp ủy. Đây là con số đáng mừng, thể hiện rằng công tác cán bộ, cơ cấu nhân sự của các cấp chính quyền nhận được sự đồng thuận rất cao. Nghệ An được xem là “điểm sáng” của cả nước trong việc thực hiện Dự án 600.

So với Nghệ An thì tại các địa phương khác, việc thực hiện Dự án 600 sau 5 năm triển khai vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân một phần là do khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ về công tác nhân sự đối với cán bộ trẻ trong nhiệm kỳ tới, Công văn của Bộ Nội vụ gửi các địa phương nêu ý kiến về vấn đề này một cách mơ hồ, chung chung như: Ưu tiên xét tuyển các cán bộ trẻ vào công chức cấp huyện nhưng không biết mức ưu tiên dành cho đội ngũ trí thức trẻ này đến đâu? Và ưu tiên như thế nào, nhất là sau quá trình các trí thức trẻ này đã có những đóng góp nhất định cho địa phương và xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Liệu có đủ để họ cạnh tranh với những loại ưu tiên khác của các thế hệ tốt nghiệp sau họ như bằng tốt nghiệp loại giỏi, có hộ khẩu địa phương, con em dân tộc thiểu số... Cánh cửa tuyển dụng vào làm công chức cấp huyện đối với họ dường như quá hẹp. Bởi để có thời gian gần 5 năm công tác ở các vùng điều kiện khó khăn, 600 trí thức trẻ đã bỏ lỡ biết bao cơ hội để lập nghiệp và tích lũy kiến thức, năng lực cho bản thân. Đúng ra, họ có thể tìm được việc làm ổn định, với mức đãi ngộ tốt hơn ở những thành phố lớn, những vùng có điều kiện thuận lợi. Tuy họ đã chuẩn bị cho mình một lối đi và tâm thế để khởi nghiệp lại từ đầu nhưng phía trước họ còn rất nhiều khó khăn.

Đồng chí Chu Đức Thái, Trưởng ban Tổ chức kiểm tra Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: Sự thành công của Nghệ An trong thực hiện Dự án 600 là minh chứng khẳng định rằng, thế hệ trẻ khi được giao nhiệm vụ, đặc biệt là công tác lãnh đạo, phụ trách đều có thể phát huy năng lực, lợi thế của tuổi trẻ về sức khỏe, sự nhanh nhẹn, lòng nhiệt huyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đồng chí được phân công công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp phù hợp với chuyên ngành học và điều kiện, nhu cầu của địa phương.

Trên thực tế, theo như các dự án mà Trung ương Đoàn đã triển khai trước đây, như dự án trí thức trẻ tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2000-2002, nhiều trí thức trẻ tham gia đã trở thành lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện, ban, ngành địa phương. Trong việc tổ chức, phân công nhiệm vụ, Tỉnh đoàn và Sở Nội vụ là hai cơ quan đầu mối, đóng vai trò quan trọng; đồng thời với việc đẩy mạnh tuyên truyền về dự án để đoàn viên thanh niên tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành.

Nhóm P.V

Các tin khác