Kinh tế xã hội
Đánh thức tiềm năng miền Tây
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, phát triển thủy sản kết hợp nuôi trồng, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi lâu dài, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi đang là hướng đi hiệu quả ở các huyện miền Tây Nghệ An. Mục đích là xây dựng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thành nghề sản xuất chính, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đồng thời phát huy, khai thác tiềm năng trên các công trình này.
Tận dụng điều kiện và tiềm năng, lợi thế ở các huyện miền núi, nhiều năm qua, các dự án thủy lợi, thủy điện đã được xây dựng, vận hành và đưa vào khai thác. Tại các công trình này, tận dụng diện tích rộng lớn của mặt hồ, người dân các vùng sở tại và lân cận đã từng bước biết cách khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Công trình thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương là dự án về năng lượng điện sớm được khai thác. Khi tích nước lòng hồ, người dân các xã Nhôn Mai, Hữu Khuông, Kim Đa, Mai Sơn đã tận dụng mặt hồ để nuôi cá lồng, giúp cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo. Ban đầu, chỉ từ một vài hộ với trên dưới chục lồng, bè nuôi cá, đến nay đã có thêm nhiều hộ với hàng trăm lồng nuôi.
Người dân xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ |
Từ những lồng cá được thả, khi đánh bắt đã đem lại thu nhập ổn định và trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng lòng hồ. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển một cách bền vững, cần có những giải pháp cụ thể về quy hoạch, khoa học, khuyến ngư cũng như chính sách tạo nguồn vốn cho người dân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 4 hồ thủy điện, gồm Bản Vẽ, Khe Bố (Tương Dương), Hủa Na (Quế Phong) và Nậm Pông (Quỳ Châu). Tại các hồ này, hàng năm thả một lượng cá giống nhằm mục đích bảo vệ và tái tạo nguồn lợi sinh học. Ngoài ra, còn có 947 hồ chứa thủy lợi với diện tích mặt nước 10.301ha ở 17 huyện, thị xã. Trong số đó có 39/947 hồ ngoài hình thức nuôi thả trong lòng hồ còn có khả năng nuôi theo đăng chắn, eo ngách được bố trí triển khai tại các huyện, thị xã.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp phát triển thủy sản, trong đó nhiều mô hình sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, tình hình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản còn manh mún, tự phát, ảnh hưởng nhất định tới môi trường và sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái.
Để phát huy tối đa tiềm năng của các hồ chứa, trên cơ sở khai thác đa mục tiêu tiềm năng sẵn có, nuôi trồng kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu thực phẩm, ngày 1/10/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4454, phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với tổng kinh phí 124,5 tỉ đồng.
Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 670 lồng với sản lượng 6.075 tấn, giá trị đạt 180,5 tỉ đồng; tạo công ăn việc làm cho trên 2.350 lao động thường xuyên và trên 10.000 lao động thời vụ và dịch vụ cung ứng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Cũng theo Đề án này, về thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản, trước mắt cần liên kết phát triển và củng cố mạng lưới chợ nông thôn, cơ sở dịch vụ thu mua cung cấp cho thị trường nội tỉnh. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hợp tác với các doanh nghiệp thu mua, phân phối thuỷ sản như các siêu thị để cung cấp cho thị trường ngoại tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần củng cố hệ thống doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu trên cơ sở đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm, nhằm giúp người dân yên tâm phát triển và mở rộng việc nuôi trồng thuỷ sản.
Xuân Thống