Kinh tế xã hội

'Nguyên nhân đầu tiên' và 'giải pháp đầu tiên' của Chính phủ

14:29, 28/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

“Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế” là nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ nhắc tới đầu tiên khi báo cáo về kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020.

Trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, sáng 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đúc kết đầy đủ tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, nêu ra các kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, yếu kém. Các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến các yếu kém cũng được trình bày trung thực và cầu thị. Các bài học kinh nghiệm quý giá cũng được rút ra một cách nghiêm túc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn chung, các mục tiêu tổng quát đề ra đã cơ bản thực hiện được. Quan trọng là kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.

Những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và năm 2016 mang tính chất đổi mới và đột phá, tạo động lực thật sự cho việc bứt phá đã được đưa ra. Đó là:

- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

- Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ.

- Phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

- Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Qua các giải pháp này, chúng ta thấy các nhân tố quan trọng bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững sẽ là thay đổi mạnh tư duy, thể hiện qua thực tế hành động của Đảng và Nhà nước theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhưng vẫn chú trọng thoả đáng đến chất lượng sống và sự phát triển công bằng nói chung cho mọi người dân; đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện phát triển chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới quan hệ đối ngoại; chống được tham nhũng; thay đổi theo hướng tích cực, đột phá vai trò và chức năng của Nhà nước.

Việt Nam đang dũng cảm nhìn nhận các điểm yếu còn tồn tại và sẽ dũng cảm hơn trong việc thực hiện các giải pháp phù hợp, hướng đến lợi ích lâu dài, bền vững của đất nước và toàn dân thông qua hiệu quả của nền kinh tế và nền tảng an ninh chính trị được giữ vững.

Tốc độ tăng trưởng 6,5% trong 9 tháng năm 2015 đã cho thấy sự phục hồi chắc chắn của kinh tế Việt Nam. Những lợi thế của một đất nước có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tài nguyên thiên nhiên giàu có, con người sáng tạo, tinh tế, cần cù và chịu khó sẽ trở thành động lực phát triển thông qua các đột phá về thể chế.

Chúng ta cần xây dựng khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhà nước sẽ chi phối những gì thuộc về thể chế, còn cái gì thuộc về thị trường thì Nhà nước nên để thị trường tự điều tiết.

Cùng với đó, những yếu kém tồn tại của khối doanh nghiệp trong nước, tình trạng thiếu cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp và vấn đề sử dụng ngân sách cần được đánh giá đầy đủ hơn và cần tiếp tục đề ra các giải pháp thoả đáng để khắc phục. Đây không phải chuyện quá khó khăn với các động thái đột phá mạnh mẽ và linh hoạt từ hoàn thiện thể chế.

Điểm rất đáng chú ý trong Báo cáo của Chính phủ là những nội dung về kinh tế thị trường, cũng là mấu chốt trong đột phá thể chế. Giải thích về những hạn chế, yếu kém trong 5 năm qua, Báo cáo chỉ rõ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan chủ yếu đầu tiên được chỉ ra là: “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển”.

Trên cơ sở nhận thức này, trong nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Chính phủ xác định giải pháp, nhiệm vụ đầu tiên là “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội”.

Cụ thể hơn về “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Báo cáo chỉ rõ: “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường. Đồng thời sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và các công cụ điều tiết, chính sách phân phối, phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.

Thông điệp của Chính phủ, của Thủ tướng đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một đất nước tự chủ và giàu mạnh trong tương lai. Những gì cần làm thêm là hoàn thiện cơ chế phân cấp hợp lý và nâng cao tính tự chủ, nhất là về tổ chức bộ máy, cán bộ, đầu tư, ngân sách, quy hoạch phát triển, bảo đảm lãnh đạo đủ tâm và tầm, quản lý, điều hành thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời phát huy tính chủ động và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, tạo không gian phát triển thống nhất trên cả nước.

Cuối cùng, phát triển 2 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh một cách thông minh và sáng tạo, tạo động lực cho nến kinh tế Việt Nam cất cánh bay cao theo đúng năng lực tiềm tàng vốn có.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác