Kinh tế xã hội
Làm gì để bảo vệ thương hiệu sản vật xứ Nghệ?
(Congannghean.vn)-Ở mỗi địa phương, vùng miền hiện nay đều có những sản vật riêng, làm nên thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Thế nhưng, việc bảo vệ thương hiệu sản vật vùng miền hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, điều này đã ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển kinh tế của mỗi địa phương.
Ở mỗi địa phương, vùng miền hiện nay đều có những sản vật riêng, làm nên thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Thế nhưng, việc bảo vệ thương hiệu sản vật vùng miền hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, điều này đã ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển kinh tế của mỗi địa phương.
Lâu nay, để xây dựng nên thương hiệu của một sản vật, phải trải qua quá trình tích tụ, nhân rộng và giữ vững giá trị cũng như chất lượng của sản phẩm. Từ đó, thương hiệu của sản vật sẽ được người tiêu dùng ghi nhận và tin dùng. Đặc biệt, người dân đã đưa các sản vật có thương hiệu của địa phương ra trao đổi, mua bán trên thị trường. Và, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sản vật vùng miền trong xu thế chung sẽ dần được đông đảo người dân sử dụng, qua đó, các mặt hàng chứa nhiều độc tố, gây hại cho sức khỏe con người được loại bỏ dần.
Bánh gai xứ Dừa là sản vật của xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An |
Cùng với các địa phương trên cả nước, Nghệ An cũng là tỉnh có nhiều sản vật đặc trưng, được đi vào thơ ca, nhạc họa… như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam Vinh, bánh gai Anh Sơn, nước mắm Quỳnh Lưu, Cửa Hội, lươn đồng xứ Nghệ… Những sản vật này đã trở thành đặc trưng không trộn lẫn và là những thức quà không thể thiếu của khách du lịch.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã biết vận dụng thế mạnh của sản vật để thúc đẩy, mở rộng sản suất, đưa chúng trở thành sản phẩm hàng hóa có mặt trên thị trường. Nhờ đó, những sản vật xứ Nghệ truyền thống đã vươn ra khỏi cánh cổng làng, góp phần vào sự đổi thay đời sống kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cạnh tranh gay gắt, sản vật mang thương hiệu xứ Nghệ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chưa kể, tình trạng làm giả, làm nhái các thương hiệu đang trở thành “vấn nạn” đáng báo động trong thời gian qua. Đặc biệt, trong xu thế gia nhập kinh tế toàn cầu, sản vật mang thương hiệu của xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung cần một “chỗ đứng” vững chắc để cùng với các mặt hàng của ngành nông nghiệp Việt Nam bước vào “sân chơi” chung.
Thực tế, trong thời gian qua, đã có không ít trường hợp sản vật thương hiệu xứ Nghệ phải chịu nhiều thiệt thòi khi bị dán nhãn mác giả để trục lợi, làm giảm uy tín. Vậy, ai sẽ đứng ra bảo vệ thương hiệu cho những sản vật này? Trên thực tế, điều này lâu nay vẫn chưa được quan tâm và có lộ trình bảo vệ lâu dài, bền vững. Vì vậy, không chỉ gây thiệt hại cho người sản xuất mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tiêu dùng. Thậm chí, có những sản vật bị xuyên tạc về nguồn gốc, quy trình chăm sóc, sản xuất…, ảnh hưởng nặng nề đến người dân và tâm lý hoang mang trong người sử dụng.
Tỉnh ta hiện nay được xem là địa phương có nhiều sản vật đã trở thành thương hiệu trong lòng du khách thập phương. Sản vật mang thương hiệu xứ Nghệ cũng đã dần chiếm lĩnh thị trường, là cầu nối để phát triển du lịch thương mại vùng, miền. Tuy nhiên, việc bảo vệ thương hiệu cũng như các sản vật hiện nay của xứ Nghệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Thiết nghĩ, với những sản vật đặc trưng, có tiềm năng phát triển theo hướng hàng hóa thì đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa ra lộ trình bảo vệ thương hiệu, nhằm tránh tình trạng để người sản xuất “tự bơi” như hiện nay. Mặt khác, người sản xuất cũng cần giữ vững uy tín, thương hiệu trong quy trình sản xuất, tránh vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất niềm tin đối với người tiêu dùng. Để thương hiệu sản vật xứ Nghệ tiếp tục phát triển và vươn xa trên thế giới, rất cần sự đồng hành, chung tay của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân.
Ngọc Thái