Kinh tế xã hội
Tạo 'thành lũy' vững chắc nơi cửa biển
(Congannghean.vn)-Ở vùng bãi ngang, bãi dọc các huyện, thị ven biển của tỉnh Nghệ An từ hơn chục năm nay đã xuất hiện những cánh rừng ngập mặn ngút ngàn, xanh mướt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc xâm lấn rừng phòng hộ để đào, đắp hồ nuôi tôm và sử dụng vào mục đích khác trái pháp luật đang ở mức báo động.
“Bức tường xanh” chắn sóng, chắn gió
Nếu có dịp đi qua vùng cửa biển từ phía cù lao mãn đê Hưng Hòa (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) ven theo đê sông Lam điểm cuối là Cửa Hội rồi vùng bãi ngang, bãi dọc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn tạo thành “bức tường xanh” chắn sóng, chắn gió. Rừng phòng hộ ngập mặn ven biển ở các địa phương nói trên không chỉ góp phần làm giảm sự tác động của biến đổi khí hậu mà còn góp phần cân bằng môi trường sinh thái.
Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, xuất hiện tình trạng nước biển xâm thực, gây hiện tượng sạt lở nghiêm trọng dọc theo các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Không có cây xanh, đê ngăn mặn xuống cấp… là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên.
Phủ xanh bãi sình lầy, đầm nước nơi cửa biển là một trong những yêu cầu cấp bách để cân bằng hệ sinh thái. Chính vì vậy, năm 1997, khi có dự án trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Đan Mạch tài trợ, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương ven biển khẩn trương triển khai thực hiện.
Rừng phòng hộ ngập mặn được trồng tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An |
Sau những năm đầu thực hiện dự án, các địa phương như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, TP Vinh, Hưng Nguyên đã triển khai trồng được gần 1.500 ha rừng ngập mặn. Với tốc độ phủ xanh nhanh chóng, chỉ sau 3 năm, rừng ngập mặn đã cao gần 1m so với mặt nước. Đây cũng là môi trường sống lý tưởng cho các loài thủy sinh dưới tán cây.
Ngoài ra, với độ che phủ dày, nhiều loài chim đã tập trung về đây sinh sôi, phát triển thành bầy đàn, tạo sự đa dạng về mặt sinh học. Hàng chục km tuyến đê biển của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc… đã được che chắn, bảo vệ, tạo cảnh quan yên bình cho mỗi vùng quê.
Xuất phát từ những lợi ích trên, có thể thấy, việc bảo vệ rừng phòng hộ ven biển là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
Báo động tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ ven biển
Thực tế, trong thời gian gần đây, việc xâm lấn rừng phòng hộ để đào, đắp hồ nuôi tôm trên địa bàn đang ở mức báo động. Tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm, phá rừng phòng hộ để nuôi tôm đang diễn ra khá phổ biến. Để giải quyết tình trạng này, các ngành chức năng cũng đã vào cuộc ngăn chặn nhưng tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt.
Dọc theo sông Mơ chảy qua địa phận các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, Quỳnh Yên, Quỳnh Minh, có khoảng trên 20 ha rừng phòng hộ ngập mặn. Trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn ở Quỳnh Lưu đang ngày càng bị thu hẹp.
Sau khi có dự án trồng rừng ngập mặn ven biển do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Đan Mạch tài trợ, huyện Quỳnh Lưu đã trồng được trên 500 ha cây sú, vẹt… Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, theo thống kê sơ bộ, chỉ còn khoảng hơn 300 ha rừng phòng hộ ngập mặn. Nguyên nhân là do người dân tự ý xâm lấn, cải tạo để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sau khi nhận được phản ánh về việc một số hộ dân tại xã Quỳnh Thanh tự ý lấn chiếm rừng phòng hộ để nuôi tôm trong thời gian qua, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra xuống tận cơ sở để xác minh, làm rõ. Việc người dân tự ý xâm lấn diện tích rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật. Địa phương cũng đã tiến hành xử lý hành chính đối với các trường hợp tự ý lấn chiếm rừng phòng hộ ngập mặn trên địa bàn.
Có thể thấy, việc người dân tự ý lấn chiếm rừng phòng hộ ngập mặn không chỉ gây mất ANTT mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống và sự đa dạng sinh học. Vì vậy, trước mắt, cần phải có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng phòng hộ ngập mặn cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Ngọc Thái