Kinh tế xã hội
Cần bền vững và thiết thực hơn
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... đối với các xã nghèo khu vực miền Tây của tỉnh.
Ngay khi chủ trương được ban hành đã nhận được sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì nội dung hoạt động và phương pháp của chương trình xóa đói giảm nghèo cần có chiều sâu và tạo sức lan tỏa rộng rãi hơn.
Trồng cây chanh leo, hướng thoát nghèo bền vững cho người người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các đơn vị, sở, ban, ngành trong chương trình xóa đói giảm nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phân công cụ thể tới các đơn vị về việc giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn tỉnh.
Đã có 107 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 110 xã nghèo miền Tây với những việc làm thiết thực như: Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cũng như tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; làm đường giao thông, cải thiện điều kiện học tập của học sinh; hướng dẫn cách thức sản xuất và hỗ trợ con giống, cây giống giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo.
Theo đó, tổng giá trị huy động giúp đỡ của các đơn vị tại 110 xã nghèo sau một thời gian ngắn đạt 137,36 tỉ đồng. Điển hình tiêu biểu trong phong trào này có Công an tỉnh Nghệ An với việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng hệ thống chính trị gắn với triển khai mô hình kinh tế xoá đói, giảm nghèo tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu”.
Đến nay, tổng số bò sinh sản mà Công an tỉnh hỗ trợ cho các hộ nghèo của xã đã lên tới 203 con. Đồng thời, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt quyên góp, ủng hộ giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Châu Hoàn với số tiền hơn 250 triệu đồng... Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tích cực hỗ trợ, góp phần giúp Trạm Y tế xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đạt chuẩn quốc gia về y tế; hỗ trợ để đồng bào được khám và cấp phát thuốc miễn phí. Đơn vị còn tặng bò sinh sản, tạo điều kiện giúp bà con từng bước thoát nghèo.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ về mặt vật chất, để tạo “cần câu” giúp người dân xóa nghèo một cách bền vững, các tổ chức, đơn vị đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi. Điều này giúp tạo việc làm tại chỗ, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động.
Cùng với các sở, ngành, còn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã lồng ghép nhiều chương trình, đề án liên quan đến công tác giảm nghèo. Dựa trên nhu cầu và đặc thù của các xã, địa phương, các đơn vị ngân hàng, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trao bò, tặng học bổng cho học sinh và sổ tiết kiệm cho người nghèo...
Cụ thể, trong năm 2014, Sở Nông nghiệp, Liên minh hợp tác xã, Hội Nông dân tỉnh… tổ chức mở 9 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cách thức chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm cho đội ngũ cán bộ thú y và người dân các xã; đồng thời cử cán bộ thú y trực tiếp xuống tận thôn, bản để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Điều đáng ghi nhận là, việc tập huấn, dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật đã đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, chăn nuôi, mang lại thu nhập cao cho bà con các dân tộc và góp phần hạn chế tình trạng đốt rừng làm rẫy.
Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt như: Mô hình chăn nuôi lợn đen; mô hình thâm canh lúa, trồng rau an toàn ở huyện Tương Dương; trồng bí xanh ở Kỳ Sơn, chanh leo ở Quế Phong, cam không hạt ở Quỳ Hợp... không chỉ góp phần khai hoang, phục hóa mà còn có tác dụng trong việc từng bước tập hợp các tầng lớp nhân dân cùng tham gia phát triển kinh tế theo hình thức mới, tiên tiến và khoa học hơn.
Hiện, tổng số tiền huy động từ các chương trình lồng ghép của các doanh nghiệp trong năm 2014 lên tới 116,5 tỉ đồng. Hàng năm, đã giải quyết việc làm cho khoảng 35.660 lao động, bình quân tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,07%/năm, đến năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo dự kiến còn khoảng 7,5 - 8%.
Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển của đất nước cũng như của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác xóa đói, giảm nghèo vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Phần lớn số người nghèo sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; vì vậy trình độ nhận thức và điều kiện sức khỏe còn hạn chế. Chuyện nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số là một vấn đề nan giải. Trong khi đó, tâm lý trông chờ, ỷ lại vẫn đang tồn tại trong một bộ phận bà con nhân dân. Nhiều hộ dân vẫn “không muốn thoát nghèo” do khi nghèo, họ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ.
Trước tình trạng trên, các cấp, ban, ngành nên “gói gọn” lại bằng một số chương trình đặc biệt về hỗ trợ hạ tầng cơ sở, xây dựng mô hình phát triển sản xuất... Bên cạnh đó, phương thức hỗ trợ cũng nên thay đổi theo hướng giảm cho không và tăng vay, nhằm từng bước thay đổi suy nghĩ, quan điểm của hộ nghèo, để họ tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian qua, với việc thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, các chương trình xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Nghệ An đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, so với bình quân cả nước, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn đang ở mức cao (10,28%). Kết quả hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo miền Tây vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, một số chỉ tiêu thực hiện còn thấp.
Vì vậy, trong thời gian tới, các chương trình, hoạt động cần phải đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả bền vững, thiết thực hơn nữa. Từ đó, gắn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và thành tích ấn tượng nhất là đã đạt mục tiêu về giảm nghèo trước thời hạn gần 10 năm. Tỉ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam giảm mạnh và liên tục, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002, 14,2% năm 2010 và 8,4% năm 2014. |
Mai Hậu