Kinh tế xã hội
Nâng cao giá trị kinh tế cam Quỳ Hợp
(Congannghean.vn)-Trồng cam được xem là nghề làm giàu trên vùng đất đỏ bazan Quỳ Hợp. Nhờ cây cam mà nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm. Đây chính là tiền đề quan trọng để UBND huyện xây dựng Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020”.
Cam Quỳ Hợp với hương vị thơm ngọt đặc trưng, từ lâu đã được đánh giá là đặc sản của Nghệ An. Năm 2007, cam Quỳ Hợp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh”. Tuy nhiên, về khách quan cho thấy, việc trồng cam còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và tự phát.
Chất lượng giống chưa đảm bảo nên sản phẩm không đồng đều về hình dạng, màu sắc, kích thước cũng như chất lượng. Bên cạnh đó, cam Quỳ Hợp vẫn bị lẫn lộn với các loại cam khác, vì vậy chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường.
Giống cam Xã Đoài lòng vàng được trồng nhiều tại vùng cam Quỳ Hợp |
Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cho huyện Quỳ Hợp là cần phải hình thành một hướng đi bền vững đối với cây cam nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là với ý nghĩa cây làm giàu đã được đánh giá và kiểm chứng. Tất cả những yếu tố trên đã dẫn đến sự ra đời Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020”.
Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để phát triển vùng cam. Đề án sẽ được thực hiện trên địa bàn 6 xã, gồm: Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn và Tam Hợp. Đây là những địa phương nằm trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ có truyền thống phát triển cây cam. Hiện nay, người dân ở các xã này rất tích cực chuyển đổi sang trồng cam để nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình.
Tổng kinh phí của Đề án dự kiến khoảng 650 tỉ đồng, được phân khai bằng các nguồn vốn từ ngân sách, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài và huy động từ người dân. Trong đó, dự kiến huy động xã hội hóa trong nhân dân khoảng 46,2%, tương đương 300 tỉ đồng. Đề án hướng đến quy trình sản xuất cam khép kín từ khâu tuyển chọn giống cho đến chế biến sản phẩm và đưa ra thị trường.
Một số giải pháp trọng tâm được huyện đưa ra: Xây dựng khu sản xuất cam ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành, với quy mô 10 ha sản xuất cam giống; tập trung đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác và HTX trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các hộ, trang trại; khuyến khích phát triển kinh tế hộ và các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cây cam…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết: “Toàn huyện Quỳ Hợp có gần 2.000 ha cam, quýt. Đặc biệt, cây cam Quỳ Hợp có giá trị kinh tế cao, có những hộ thu nhập hơn 4 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, mở rộng diện tích trồng cam ở Quỳ Hợp rất thuận lợi vì diện tích đất đỏ bazan tập trung.
Trong quá trình phát triển cây cam ở đây có nhiều thuận lợi, như cam Quỳ Hợp đã có thương hiệu trên toàn quốc, đặc biệt là đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh”. Khó khăn của người nông dân trồng cam Quỳ Hợp là sắp tới, dự báo diện tích sẽ được mở rộng hơn 2.000 ha dẫn đến sản lượng sẽ tăng. Tuy nhiên, lại chưa có đầu ra ổn định mà chủ yếu là do tư thương thu mua nhỏ lẻ.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng đề án cam nguyên liệu Quỳ Hợp, đồng thời đề nghị các ngành chức năng đầu tư kinh phí để quy hoạch vùng trồng cam và nghiên cứu các chất đất để cây cam ngày càng phát triển”.
Có thể nói, việc triển khai đề án phát triển vùng cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020 sẽ đáp ứng những đòi hỏi đặt ra cho một trong những “vựa” cam của miền Tây Nghệ An. Vẫn còn nhiều thời gian để huyện Quỳ Hợp chứng minh tính khả thi của đề án. Thực tế ở nhiều địa phương cũng ghi nhận rằng, chỉ với bản đề án là chưa đủ, mà cần hơn sự vào cuộc thực sự và quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị. Và đề án phát triển bền vững cam Quỳ Hợp cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Thu Hường