(Congannghean.vn)-Nộp hồ sơ để được công nhận lại toàn bộ diện tích đất đang sử dụng là đất ở từ năm 2011, tuy nhiên đến nay đã gần 10 năm trôi qua, việc công nhận lại đất ở của gia đình ông Dương Xuân Hồ (SN 1964, đăng ký hộ khẩu thường trú tại khối 13, phường Lê Lợi, TP Vinh) vẫn chưa hoàn thành. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ông Dương Xuân Hồ bức xúc, phản ánh sự việc với phóng viên |
Theo phản ánh của ông Dương Xuân Hồ, bố mẹ ông là ông Dương Xuân Phiên và bà Nguyễn Thị Em đã sinh sống lâu năm tại khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, TP Vinh. Sau khi ông Phiên, bà Em qua đời, theo di chúc, vợ chồng ông Hồ được thừa kế một phần đất do bố mẹ để lại. Thửa đất đó đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào ngày 22/9/2005, số hiệu AC 168854 (thửa đất số 26; tờ bản đồ số 07; diện tích 431,70 m2, trong đó 150 m2 đất ở và 281,70 m2 đất vườn) mang tên 2 vợ chồng Dương Xuân Hồ và Vũ Thị Lan.
Ông Hồ cho hay, khi biết được chủ trương của Nhà nước về các thửa đất có nguồn gốc hình thành và sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980, nếu người dân có nhu cầu công nhận lại toàn bộ diện tích đất đang sử dụng sang “đất ở” thì phải hoàn thành hồ sơ, trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét công nhận lại. Ngày 22/4/2011, ông Hồ đã nộp hồ sơ lên UBND phường Đông Vĩnh để hoàn thành thủ tục công nhận toàn bộ diện tích đất hơn 430 m2 (150 m2 đất ở và 281,70 m2 đất vườn) là “đất ở”. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hồ sơ công nhận lại đất ở của gia đình ông Hồ vẫn chưa hoàn thành như nguyện vọng chính đáng của gia đình.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, vì sao hồ sơ ông Dương Xuân Hồ đã nộp lên UBND phường Đông Vĩnh từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành để được công nhận toàn bộ diện tích đất ở? Ban đầu, bà Nguyễn Thị Minh Hương, công chức địa chính phường Đông Vĩnh cho biết, thời điểm nộp hồ sơ của ông Hồ vào năm 2011 là không đúng mà đó là do được “chèn vào” để hợp lý hóa hồ sơ, phù hợp với thời điểm. Bà Hương khẳng định, đây là cách để giúp ông Hồ có hồ sơ phù hợp với quy định của pháp luật, nếu không hồ sơ của ông Hồ không thuộc diện công nhận toàn bộ diện tích “đất ở”.
Tuy nhiên, khi đối chiếu thực tế cuốn sổ lưu ghi chép thời điểm thu hồ sơ liên quan đến đất đai của UBND phường Đông Vĩnh năm 2011, chúng tôi thấy rằng, số thứ tự những người nộp hồ sơ được ghi từ trên xuống dưới, phía trước và phía sau số thứ tự của ông Dương Xuân Hồ là các hộ gia đình khác? Khi phóng viên hỏi, nếu cuốn sổ lưu ghi như vậy thì ngày nộp hồ sơ của ông Dương Xuân Hồ được “chèn vào” chỗ nào? Lúc này, bà Hương lại đưa ra một tập hồ sơ phôtô và nói rằng, thời điểm đó ông Hồ nộp hồ sơ sơ sài?!
Cũng theo lời bà Hương, năm 2013, bà về làm công chức địa chính phường Đông Vĩnh (thay cho ông Trí chuyển đến xã Nghi Ân - P.V). Bà Hương cho biết, năm 2015, bà đã hoàn thành hồ sơ cho ông Dương Xuân Hồ, nộp lên UBND TP Vinh nhưng hồ sơ này sau đó đã bị Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng (ĐKQSDĐ) đất TP Vinh trả về. Văn bản số 3014/VPĐK ngày 15/12/2015 cho hay: “… trong danh sách tổng hợp các trường hợp công dân nộp hồ sơ hợp lệ tại UBND phường trước ngày 1/7/2014 chuyển lên thành phố không có tên của gia đình ông Dương Xuân Hồ. Vì vậy, Văn phòng ĐKQSDĐ không có cơ sở để xử lý hồ sơ theo quy định đối với trường hợp nộp hồ sơ hợp lệ tại UBND phường trước ngày 1/7/2014. Đề nghị UBND phường căn cứ theo Điều 2, Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 9/4/2015 để xác nhận diện tích công nhận đất ở”.
Theo cách trả lời trên của Văn phòng ĐKQSDĐ TP Vinh, có thể hiểu, hồ sơ công nhận lại đất ở của ông Dương Xuân Hồ không còn phù hợp để công nhận lại toàn bộ diện tích đất ở (hồ sơ hợp lệ phải nộp trước ngày 1/7/2014 - P.V).
Trao đổi vấn đề trên, ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh cho biết: Trước đây việc thu, nộp hồ sơ của công dân không có phiếu hẹn ngày trả hồ sơ, nhiều người nộp xong rồi bỏ mặc cho Nhà nước, không lên hỏi lại để bổ sung hoàn thiện. Trường hợp của ông Hồ, chúng tôi đã có 2 lần tiếp công dân, hồ sơ đất đai của ông Hồ khá phức tạp do liên quan đến thừa kế, mua bán, chuyển nhượng. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của phường, nếu đất được hình thành trước năm 1980 thì phải hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố, nếu không được chấp nhận thì người dân phải chịu.
Cũng theo lời Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh, theo quy định hiện hành, thửa đất có nguồn gốc trước năm 1980 chỉ được công nhận không quá 5 lần so với hạn mức đất ở đã quy định (hạn mức đất tại TP Vinh là 150 m2 x 5 lần = 750 m2). Do đó, đối với thửa đất do bố mẹ ông Hồ để lại (có diện tích hơn 1.000 m2), hiện đã chuyển nhượng, thừa kế cho nhiều người, nếu tổng số đất ở của những người đã được chuyển nhượng, thừa kế đất ở lớn hơn 750 m2 thì hồ sơ của ông Dương Xuân Hồ không đủ điều kiện để công nhận lại toàn bộ diện tích là đất ở.
Quá trình tìm hiểu sự việc cho thấy, thời điểm ông Dương Xuân Hồ nộp hồ sơ công nhận lại đất ở vào tháng 4/2011 là có cơ sở. Tuy nhiên, vì sao nhiều năm việc công nhận đất ở của ông Hồ không hoàn thành?. Ông Hồ cho rằng, đã nộp hồ sơ từ năm 2011, nhưng đến năm 2015, hồ sơ của ông mới được trình lên UBND TP Vinh thì đã quá thời điểm cho phép công nhận đất ở? Hiện nay, nếu chiếu theo quy định hiện hành thì gia đình ông Dương Xuân Hồ bị thiệt thòi lớn về quyền và lợi ích hợp pháp.