(Congannghean.vn)-Hiện đang là thời điểm lượng khách tham quan các đền, chùa, điểm du lịch trong tỉnh tăng cao. Lợi dụng điều này, các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… trà trộn, xuất hiện rộng rãi trên thị trường. Do đó, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được các ngành chức năng, các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ, thường xuyên.
Từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, sau những ngày nghỉ Tết, người dân lại nô nức tham gia các cuộc du xuân, đi trẩy hội. Năm nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra 25 lễ hội, trong đó có 17 lễ hội đầu Xuân Bính Thân.
Một điều dễ nhận thấy ở các lễ hội như: Đền Cờn (Quỳnh Lưu), hang Bua (Quỳ Châu), đền Vua Mai (Nam Đàn)… là khi lượng khách tham quan đông cũng là lúc các hàng quán bày bán nhiều loại thức ăn nhanh, thức ăn đường phố... Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng của các loại thực phẩm này không đảm bảo, một phần vì thức ăn được bày bán giữa đường. Từ đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để khắc phục tình trạng mất ATVSTP tại các lễ hội sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP đã chỉ đạo các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra thị trường.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc đảm bảo ATVSTP tại một cơ sở kinh doanh |
Bác sĩ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Mục tiêu của ngành Y tế là ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội Xuân 2016. Để đạt được mục tiêu này, ngoài trách nhiệm của các đoàn kiểm tra liên ngành, các địa phương, người dân, du khách cũng cần nêu cao ý thức cảnh giác trước các loại thực phẩm, thức ăn không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác. Ban chỉ đạo cũng đã triển khai kế hoạch đảm bảo ATVSTP dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, nhờ làm tốt công tác thanh, kiểm tra thị trường vào dịp Tết và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về ATVSTP trên các phương tiện thông tin đại chúng nên tình hình ATVSTP dịp trước, trong và sau Tết được đảm bảo.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, ưu điểm nổi bật là các cơ sở đã chấp hành tốt các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, đáp ứng các điều kiện về trang thiết bị, lao động tham gia chế biến thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo không có các chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tại các nhà hàng, thực phẩm bao gói sẵn có tem nhãn đầy đủ, còn hạn sử dụng; thực phẩm sống đảm bảo tươi, sống hoặc được bảo quản trong thiết bị lạnh. Qua xét nghiệm nhanh, đa số không phát hiện các chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Các nhà hàng, khách sạn lớn đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với nơi cung cấp thực phẩm, có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm và thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Tuy nhiên, qua đợt thanh tra cũng cho thấy, một số cơ sở kinh doanh, chủ yếu là các quán ăn nhỏ, lẻ, việc chấp hành các quy định về ATVSTP chưa tốt.
Ngoài ra, nhiều cơ sở còn mắc các lỗi khác như: Do có sự thay đổi liên tục về lao động thời vụ nên việc khám sức khỏe cho nhân viên theo định kỳ chưa được chú trọng; việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu vực chế biến chưa đảm bảo; người tham gia chế biến, phục vụ ăn uống không được trang bị bảo hộ theo quy định; có cơ sở không ký kết hợp đồng mua nguyên liệu mà mua thực phẩm ngoài chợ hoặc thu mua lẻ của người dân, chưa thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm…
Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng trong công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân cũng cần trang bị kiến thức liên quan đến VSATTP, thực hành tiêu dùng một cách khoa học, chỉ mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn, mác, chứng nhận đảm bảo VSATTP… Ngoài ra, khi phát hiện cơ sở nào có vi phạm về an toàn thực phẩm, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời thanh, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.