(Congannghean.vn)-Sau khi mất, bà Phùng Thị Tàm để lại cho cháu nội là anh Võ Văn Phương một mảnh vườn và đất nông nghiệp. Do không có nhu cầu sử dụng, năm 1995, anh Phương bán mảnh vườn trên cho ông Võ Văn Hồng. Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục chuyển nhượng GCNQSDĐ từ bà Tàm sang cho mình, anh Phương lại “âm thầm” bán mảnh vườn trên cho một người khác. Sự việc xảy ra tại thôn Trường Xuân, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Theo đơn phản ánh của ông Võ Văn Hồng (SN 1947) trú tại thôn Trường Xuân, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 1995, anh Võ Văn Phương (SN 1973), hiện trú tại số nhà 38A, đường Lý Thường Kiệt, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bán cho ông Hồng một mảnh vườn có diện tích 1.048 m2 và 2 khẩu đất nông nghiệp (đất Nghị định 64 - P.V) với giá 400.000 đồng. Thế nhưng, năm 2013, khi chuyển tên GCNQSDĐ từ bà nội sang cho mình, anh Phương lại đem bán mảnh vườn cho ông Nguyễn Tư Đường.
Chuyển nhượng lần thứ nhất
Qua tìm hiểu được biết, “Giấy bán vườn thổ cư” được lập vào ngày 3/1/1994 của anh Võ Văn Phương có ghi: “Vì hoàn cảnh, tôi phải ra đi tìm cuộc sống ở nơi khác. Do đó, tôi bán mảnh vườn ở Rú Họ có diện tích 1.048 m2 (mảnh đất của bà Phùng Thị Tàm - P.V) và số ruộng đất của hai bà cháu cho ông Võ Văn Hồng. Ông Hồng được quyền sử dụng và chuyển nhượng đất thổ cư theo quy định của pháp luật”.
Văn bản này cũng ghi rõ, mảnh vườn trên và số ruộng đất nông nghiệp của hai bà cháu anh Phương sẽ thuộc quyền sử dụng của ông Võ Văn Hồng từ ngày 11/1/1995. Việc bán vườn và đất của anh Phương cho ông Hồng có sự chứng kiến và ký vào biên bản của 2 ông Nguyễn Tư Kỷ và Trần Văn Long, đồng thời có xác nhận sự việc chuyển nhượng (bán vườn) của chính quyền địa phương tại thời điểm đó.
Ông Hồng bên mảnh vườn của bà Tàm mà ông đã mua nhưng nay lại thuộc về ông Nguyễn Tư Đường |
Theo đó, ngày 25/10/1996, ông Hoàng Đình Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh xác nhận, ký tên và đóng dấu: “Nhất trí giấy chuyển nhượng vườn anh Võ Văn Phương, xóm Trường Xuân nhượng lại cho anh Võ Văn Hồng, thôn Trường Xuân”.
Ngày 1/12/2004, anh Phương và ông Hồng đến UBND xã Phong Thịnh làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh là ông Nguyễn Hữu Sơn (nay là Bí thư Đảng ủy xã Phong Thịnh) nhưng do đất đang có tranh chấp với ông Nguyễn Tư Đường nên chưa làm được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồng khẳng định: “Tôi mua vườn của anh Phương là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật và có sự xác nhận của chính quyền địa phương tại các thời điểm. Thế nhưng, do vướng mắc trong thủ tục chuyển nhượng nên chưa thể sang tên GCNQSDĐ ngay được mà phải tiến hành theo trình tự. Lúc đó, GCNQSDĐ mang tên bà Phùng Thị Tàm nên anh Phương là người thừa kế hợp pháp, nếu muốn chuyển nhượng lại mảnh đất trên thì phải làm thủ tục chuyển từ bà Tàm sang anh Phương, sau đó anh Phương mới chuyển lại cho tôi”.
Chuyển nhượng lần thứ hai
Mặc dù chưa có GCNQSDĐ mang tên mình, nhưng với thủ tục mua bán hợp pháp với anh Võ Văn Phương từ trước và có xác nhận của chính quyền địa phương nên từ năm 1994, gia đình ông Hồng đã sử dụng, quản lý mảnh vườn của bà Tàm. Thế nhưng, ngày 3/10/2011, ông Nguyễn Tư Đường trú tại thôn Trường Xuân, xã Phong Thịnh (ở cạnh mảnh vườn của bà Tàm) cho máy múc đất trong vườn bà Tàm để xây nhà.
Trước sự việc trên, ông Hồng đã báo lên Ban chỉ huy xóm và UBND xã Phong Thịnh. Ngày 4/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương, thôn trưởng và ông Nguyễn Văn Hiền, An ninh thôn đã đến lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Đường tạm ngừng việc múc đất và chờ xử lý.
Sự việc sau đó phải nhờ đến sự phân xử của pháp luật, với Bản án sơ thẩm số 08/2012/DSTC-ST ngày 29/8/2012 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương về giải quyết vụ “Tranh chấp đất đai” giữa anh Võ Văn Phương, bà Võ Thị Ten, bà Võ Thị Nên và bà Võ Thị Tuyết với ông Nguyễn Tư Đường.
Theo đó, buộc ông Nguyễn Tư Đường phải trả lại thửa đất đã bị lấn chiếm số 18, tờ bản đồ số 7, có diện tích đo thực tế là 870,8 m2 tại thôn Trường Xuân, xã Phong Thịnh cho anh Võ Văn Phương, bà Võ Thị Ten, Võ Thị Nên và Võ Thị Tuyết, đồng thời gia đình ông Đường có trách nhiệm di dời toàn bộ công trình đã xây dựng trên mảnh đất này.
Ông Hồng cho biết: “Khi anh Phương về, tôi đã giao lại GCNQSDĐ mang tên bà Tàm cho anh Phương kèm theo 16 triệu đồng để nộp lệ phí trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất và án phí. Việc tôi giao tiền và GCNQSDĐ cho anh Phương có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Dương, Thôn trưởng thôn Trường Xuân; ông Nguyễn Văn Hiền, An ninh thôn; ông Võ Văn Huy, đại diện Hội đồng gia tộc; ông Hồ Sĩ Lân, hàng xóm và ông Võ Văn Minh (người cho ông Hồng vay tiền để đưa cho anh Phương)”.
Ngày 19/7/2013, ông Võ Văn Phương được UBND huyện Thanh Chương cấp GCNQSDĐ tại thửa đất số 16, tờ bản đồ 07, diện tích 921 m2. Thế nhưng, ngày 1/11/2013, anh Võ Văn Phương lại “âm thầm” lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên cho ông Nguyễn Tư Đường.
Như vậy, nếu anh Võ Văn Phương đã nhận 400.000 đồng tiền bán vườn vào năm 1995 và nhận thêm 16 triệu đồng từ ông Võ Văn Hồng để làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ, tiền án phí là thật nhưng sau đó lại bán tiếp mảnh vườn trên cho ông Nguyễn Tư Đường thì hành vi của anh Võ Văn Phương có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, việc mua bán vườn giữa anh Phương và ông Hồng có xác nhận của chính quyền địa phương và liên quan đến mảnh vườn này, luôn xảy ra tranh chấp với ông Nguyễn Tư Đường.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, tại sao sự việc đang có tranh chấp nhưng chính quyền xã Phong Thịnh vẫn chứng thực hồ sơ chuyển nhượng đất từ anh Võ Văn Phương sang ông Nguyễn Tư Đường?