Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/nhung-buoc-chan-khong-moi-623568/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/nhung-buoc-chan-khong-moi-623568/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những bước chân không mỏi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:53 [GMT+7]

Những bước chân không mỏi

(Congannghean.vn)-Dù công việc vất vả, cực nhọc, đồng lương lại ít ỏi, nhưng vì lòng yêu nghề, họ đã không quản ngày đêm, dầm mưa dãi nắng, làm việc cần mẫn, chăm chỉ để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu đi qua. 
 
Chúng tôi tới ga Quán Hành ở thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc vào một buổi trưa nắng nóng để tìm gặp những người làm nghề tuần tra đường sắt. Vào tới nhà gác, tiếp chuyện chúng tôi là anh Trần Thế Mạnh, Cung trưởng cung Quán Hành. Anh Mạnh cho hay, có nhiều công việc liên quan đến đường sắt, nhưng công việc lặng lẽ, vất vả nhất phải kể đến là nghề tuần đường. 
Công việc thường ngày                       của những người làm nghề tuần tra đường sắt
Công việc thường ngày của những người làm nghề tuần tra đường sắt
 
Dù đêm hay ngày, mưa bão hay nắng nóng, họ đều phải đi tuần từ điểm này đến điểm kia theo quy định để đảm bảo đường ray an toàn cho tàu lưu thông. Công việc tuần đường không thể thiếu một túi xách nặng khoảng 5 kg, với đầy đủ các dụng cụ như cờ pháo, cờ lết… Ngoài việc kiểm tra, quan sát thật kỹ từng đoạn ray, từng thanh tà vẹt hỏng hóc, mất mát của cung đường mình phụ trách để báo về cho đơn vị đến bảo trì, thay mới, họ còn là những tay thợ lành nghề, tự sửa chữa, thay thế những con ốc, lót những tấm phao giả kịp thời để tàu đi qua. Trong tổ tuần tra cung đường Quán Hành, có tất cả 3 thành viên, một ngày chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, họ luân phiên nhau đi tuần. 
 
Đang dở cuộc trò chuyện, có tiếng chuông điện thoại, anh Mạnh rảo nhanh bước chân ra chắn để cho tàu đi qua. Nhìn ra xa, chúng tôi thấy chiếc cờ màu vàng được giơ lên cao, báo hiệu đường ray an toàn của người tuần đường. Sau tiếng còi tàu, anh Bùi Hữu Quang (SN 1982), công nhân tuần đường, người đẫm mồ hôi vào nhà gác chắn ký sổ giao ca. Anh cho biết: “Nghề này vất vả lắm, nếu ai không quen, đặc biệt là không yêu nghề thì sẽ không làm nổi. Khó khăn nhất là thời gian đầu mới vào nghề, đi một mình trên quãng đường dài vắng vẻ, chân vừa mỏi, lại vừa sợ”.
 
Theo lời anh Quang, nghề tuần đường đòi hỏi tính kỷ luật, đúng giờ giấc, đồng thời phải nắm rõ quy trình tuần đường, tín hiệu, “mắt phải sáng, tai phải thính”, không được lơ là, vì chỉ cần một chút sơ suất là có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Mỗi ngày cả đi lẫn về, những người làm nghề tuần đường trên cung đường Quán Hành phải đi bộ gần 20 cây số. Những tuyến đường sắt vô tri đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết với họ.
 
Để đảm bảo những chuyến tàu bình yên, dù giông bão hay nắng gió, ngày nào anh em tuần tra trên đường sắt cũng phải có mặt trên cung đường, bởi vậy, thời gian ở trên đường ray nhiều khi còn nhiều hơn ở nhà. Những ngày mưa bão hay có tai nạn xảy ra, họ phải túc trực cả ngày lẫn đêm để giải quyết các sự cố, đảm bảo cho những chuyến tàu kịp lịch trình. Không chỉ khó khăn, vất vả, nghề tuần tra trên đường sắt còn phải đối mặt với biết bao nguy hiểm rình rập. “Có những đoạn đường vắng, nằm rìa cánh đồng, các con nghiện thường tụ tập để chích hút. Mỗi lần đi qua gặp cảnh này, chúng tôi rất muốn quay lại nhưng vì công việc nên phải đi tiếp”, anh Quang cho biết.
 
Đi “mòn cả chân, mỏi cả gối”, nhưng nghề tuần đường chẳng đem lại cuộc sống sung túc. Làm công việc này đã 5 năm, nhưng đến nay, tiền lương mà anh Quang nhận được mỗi tháng cũng chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng, thậm chí một số người mới làm thì thu nhập còn thấp hơn.  
 
Có được nghe kể, chứng kiến thì mới biết được cuộc sống, sinh hoạt của các bác, các anh tuần đường còn thiếu thốn trăm bề. Công việc cực nhọc, vất vả, đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống nhưng để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu xuôi ngược, họ đã thầm lặng hy sinh, miệt mài lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
.

Đặng Duyên

.