(Congannghean.vn)-Tình trạng ô nhiễm nước và không khí tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Mặc dù đã được phản ánh nhiều nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Hàng trăm hộ dân đang phải sống chung với ô nhiễm do hệ thống xử lý nước thải của làng nghề chế biến hải sản không đạt chuẩn.
Nước thải từ các khu chế biến bột cá xả thẳng ra Cảng cá Lạch Vạn |
Vừa đi vào đầu xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc, chúng tôi không khỏi rùng mình bởi mùi hôi thối nồng nặc. Hỏi về vấn đề này, một số người dân ở đây cho biết: Hơn 7 năm qua, 3 xóm Đông Lộc, Ngọc Văn, Ngọc Minh sống gần Cảng cá Lạch Vạn đang phải chịu đựng mùi hôi thối. Chị Trần Thị Hồng, xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc bức xúc: “Chúng tôi đã phải gánh chịu mùi hôi thối nồng nặc từ những bể lọc nước thải trong xóm. Nguyên nhân là do người ta xây bể lọc không có đáy lót bên dưới mà chỉ có đất không. Khi mưa xuống, không khí bốc mùi không tài nào chịu được, nguồn nước ngấm xuống giếng gây ô nhiễm trầm trọng”.
Được biết, Diễn Ngọc là xã vùng biển với nhiều tiềm năng đánh bắt, chế biến thủy, hải sản. Số tàu thuyền thường xuyên ra vào bến với gần 500 chiếc, mỗi ngày có khoảng 200 tấn cá vào cảng. Năm 2008, làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc được thành lập trên diện tích 2,16 ha. Cùng với đó, Diễn Ngọc còn được hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải của làng nghề với bể chứa hơn 400 m3.
Tuy nhiên, khi đi vào sử dụng, do bể xây dựng quá sâu, không có hệ thống chống thấm, không có nắp đậy nên nước thải sau khi lọc không thoát ra ngoài được mà đọng lại, bốc mùi hôi thối. Điều này dẫn đến nước thải ngấm xuống đáy bể vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Còn bể chứa trở thành ao tù nước đọng sủi bọt, nổi bong bóng. Ngoài mùi hôi thối bay xa hàng km và chất thải tuồn xuống Cảng cá Lạch Vạn thì hàng trăm hộ dân còn phải sống chung với bụi, khói ô nhiễm khi các nhà máy chế biến bột cá hoạt động.
Ngoài ra, xã Diễn Ngọc còn có trên 100 cơ sở chế biến nhỏ lẻ, những cơ sở này cũng chỉ chú trọng lợi nhuận chứ không quan tâm đến khâu xử lý môi trường. Trước tình trạng trên, UBND xã Diễn Ngọc đã mua hóa chất về xử lý ô nhiễm tại các bể lọc của làng nghề và tổ chức ký cam kết đảm bảo môi trường trong sản xuất với các cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp xử lý nước thải trước khi xả ra bể lóng được các đơn vị thực hiện rất sơ sài, cơ bản là vẫn xả thẳng ra bể chứa mà không qua xử lý.
Trao đổi vấn đề này, ông Ngô Đình Tưu, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Diễn Châu cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền các chủ cơ sở sản xuất làm tốt bản cam kết môi trường, thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm và đúng quy định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm các biện pháp cụ thể xử lý ô nhiễm nguồn nước và không khí để không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân”.
Trong khi các cơ quan chức năng chưa có biện pháp giải quyết cụ thể thì hàng trăm hộ dân các xóm sinh sống gần Cảng cá Lạch Vạn đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng. Đề nghị UBND huyện Diễn Châu sớm vào cuộc và có giải pháp triệt để, để người dân được sống và sinh hoạt trong môi trường trong lành.
.