Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/vo-co-doi-lai-dat-da-chuyen-nhuong-sau-hon-20-nam-567469/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/vo-co-doi-lai-dat-da-chuyen-nhuong-sau-hon-20-nam-567469/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vô cớ đòi lại đất đã chuyển nhượng sau hơn 20 năm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 09/12/2014, 08:49 [GMT+7]

Vô cớ đòi lại đất đã chuyển nhượng sau hơn 20 năm

(Congannghean.vn)-Câu chuyện xảy ra tại xóm 15, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Năm 1992, ông Đặng Đình Trọng đã làm giấy tờ chuyển nhượng 1.000 m2 đất cho ông Thái Bá Tiến trú cùng xóm. Tuy nhiên, khi ông Tiến đã an cư lạc nghiệp, xây dựng nhà kiên cố trên 20 năm thì ông Trọng lại làm đơn đòi lại đất. Điều lạ lùng là, cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên buộc gia đình ông Tiến phải trả lại toàn bộ diện tích đất cho ông Trọng.
 
Chuyển nhượng đất lâm nghiệp ngay sau khi được giao
 
Năm 1991, gia đình ông Đặng Đình Trọng trú tại xóm 15, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn được Nhà nước giao 1,5 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng. Sau khi được giao đất, gia đình ông Trọng đã xây dựng nhà ở kiên cố trên đất lâm nghiệp và đến năm 1992 thì viết “Giấy thỏa thuận giao nhượng đất ở”, diện tích 1.000 m2 cho gia đình ông Thái Bá Tiến trú cùng xóm. “Thời điểm đó, Nhà nước cấm việc mua bán đất đai nên hai bên chỉ viết giấy thỏa thuận chuyển nhượng, trên thực tế, gia đình tôi đã phải trả cho ông Trọng 1,1 triệu đồng. Sau này, ông Trọng còn chuyển nhượng đất cho một vài gia đình khác, hình thức và thời gian chuyển nhượng thì tôi không nắm rõ”, ông Tiến cho biết.
Thửa đất đang tranh chấp đã được ông Tiến xây dựng nhà kiên cố 20 năm nay
Thửa đất đang tranh chấp đã được ông Tiến xây dựng nhà kiên cố 20 năm nay
Năm 2002, đoàn đo đạc bản đồ địa chính căn cứ hiện trạng sử dụng thực tế đã xác nhận và ghi vào bản đồ, thửa đất hai gia đình đang sử dụng là đất thổ cư, thửa 213, tờ bản đồ số 1. Do những vướng mắc trong việc xin cấp GCNQSDĐ, năm 2007, ông Trọng đã viết giấy đề nghị UBND xã Phúc Sơn xác nhận việc chuyển nhượng đất diễn ra vào năm 1992 và đã được UBND xã Phúc Sơn xác nhận. Tuy nhiên, khi ông Tiến chuẩn bị làm hồ sơ xin GCNQSDĐ thì ông Trọng trở chứng đòi lại đất. Sau lần hòa giải không thành tại UBND xã Phúc Sơn, ông Trọng gửi đơn yêu cầu TAND huyện Anh Sơn giải quyết vụ việc.
 
Bản án sơ thẩm số 01/2013/DS-ST ngày 29/1/2013 của TAND huyện Anh Sơn tuyên buộc ông Tiến phải trả lại đất, gia đình ông Trọng được tiếp nhận số tài sản trên đất và thanh toán cho ông Tiến số tiền gần 220 triệu đồng (tài sản trên đất). Ngày 3/2/2013, ông Tiến làm đơn kháng cáo vì cho rằng, TAND huyện Anh Sơn đã thiếu căn cứ để đưa vụ việc ra xét xử. Quá trình xét xử có nhiều yếu tố thiếu khách quan dẫn đến bản chất sự việc bị thay đổi. Tuy nhiên, tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 9/8/2013, TAND tỉnh Nghệ An gần như giữ nguyên Bản án sơ thẩm. Theo đó, ông Trọng có trách nhiệm thanh toán cho ông Tiến số tiền gần 250 triệu đồng. Không đồng tình với quyết định trên của TAND tỉnh Nghệ An, ông Tiến tiếp tục làm Văn bản kiến nghị xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
 
Người vi phạm “hợp đồng” bỗng thành nguyên đơn
 
Thỏa thuận chuyển nhượng đất được lập tháng 4/1992, trước khi Luật Đất đai năm 1993 ra đời và có hiệu lực. Ông Tiến cho rằng, cùng với việc gia đình mình sinh sống ổn định, lâu dài, xây dựng công trình kiên cố hàng chục năm nay mà không hề bị phía gia đình ông Trọng đến ngăn cản là những yếu tố đủ căn cứ pháp lý để khẳng định thửa đất ông đang ở đã được ông Trọng chuyển nhượng cho gia đình mình. Tuy nhiên, tòa án 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại căn cứ theo Giấy chuyển nhượng đất được lập lại vào ngày 8/8/2007 và coi đây là một vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đưa ra xét xử.
 
Thực chất, đây chỉ là giấy xác nhận do chính tay ông Trọng viết đề nghị UBND xã Phúc Sơn xác nhận việc chuyển nhượng đất đã được thực hiện vào thời điểm tháng 4/1992, tạo điều kiện cho ông Tiến giao dịch và làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ. Trong giấy xác nhận này, chính ông Trọng đã thừa nhận việc chuyển nhượng 1.000 m2 đất cho ông Tiến. Văn bản viết tay này không có thể thức một bản hợp đồng chuyển nhượng theo đúng quy định, nhưng TAND các cấp lại xem đó là thủ tục, căn cứ để đưa vụ việc ra xét xử(?).
 
Trong văn bản kiến nghị xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, ông Tiến khẳng định, hội đồng xét xử đã biến gia đình ông Trọng thành một hợp tác xã, ông Trọng là đại diện và vợ, con ông là đồng sở hữu, từ đó áp dụng các điều 109, 122, 127, 128, 217, 223 xét xử trong vụ án là cố tình vi phạm pháp luật. Dù việc áp dụng các điều luật này là đúng thì người chủ động lập “hợp đồng” (theo cách gọi của tòa) và người vi phạm đều là ông Trọng.
 
Việc ông Trọng chuyển quyền sử dụng đất chưa được các con đồng ý là lỗi của cá nhân, vợ chồng ông Trọng, bản thân ông Tiến không vi phạm hợp đồng. Vì lẽ đó, ông Tiến cho rằng, đáng lẽ các con ông Trọng phải đi kiện chính cha mình vì đã vi phạm quyền đồng sở hữu của các con khi lập hợp đồng chuyển nhượng và buộc ông Trọng phải khắc phục hậu quả. Mặt khác, theo ông Tiến, thửa đất trên được xác định là thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Trọng, bà Nhu, nên ông Trọng, bà Nhu có quyền chuyển nhượng cho bất kỳ ai mà không cần có sự đồng ý của các con.
 
“Việc đòi lại đất của ông Trọng theo tôi là hết sức vô lý. Khi nhận chuyển nhượng đất, gia đình tôi đã xây dựng nhà tạm, vài năm sau thì xây dựng nhà kiên cố. Đến năm 2004, hàng rào phân định ranh giới giữa 2 gia đình cũng được xây dựng. Tuy nhiên, ông Trọng và gia đình không hề có ý kiến phản đối, đến ngày 6/4/2012 lại có đơn khởi kiện ra tòa là cớ làm sao? Bố vợ tôi là Liệt sĩ chống Mỹ hiện đang được thờ trong ngôi nhà này, nếu bị thi hành án, không những vợ chồng, con cái ra đường mà bố vợ tôi cũng không có nơi thờ phụng”, ông Tiến rầu rĩ.

Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Trưởng Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự cho rằng: “Theo quy định của pháp luật, tài sản thuộc quyền sở hữu của ai thì người đó có quyền định đoạt mà không cần có sự đồng ý của người khác. Trong vụ án này, nếu xét về mặt nguồn gốc, thửa đất thuộc quyền sử dụng của ông Trọng, bà Nhu thì ông Trọng, bà Nhu có quyền chuyển nhượng mà không cần sự đồng ý của các con”.
 
Theo hồ sơ phản ánh, thửa đất được cấp cho ông Trọng, bà Nhu năm 1991, khi đó con lớn của ông Trọng, bà Nhu mới 7 tuổi nên không thể nói thửa đất đó được cấp cho ông Trọng, bà Nhu và các con. Thửa đất đó chỉ thuộc quyền sử dụng của ông Trọng, bà Nhu. Vì vậy, tòa án cho rằng, thửa đất đó có phần của các con để tuyên vô hiệu hợp đồng là không chính xác.
.

Văn Dũng

.