Thứ Ba, 09/06/2020, 07:26 [GMT+7]

Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia công tác PCCC

(Congannghean.vn)-Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”, Nghệ An đã tích cực, chủ động, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nội dung Chỉ thị tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Cháy, nổ diễn biến phức tạp

Nghệ An có hơn 12.500 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có hơn 5.000 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ; 1 khu kinh tế; 11 khu công nghiệp; 32 cụm công nghiệp; 405 chợ lớn, nhỏ; 106 siêu thị, trung tâm thương mại; trên 500 tòa nhà từ 5 tầng trở lên và 860 khách sạn các loại; 720 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng cao độ, hanh khô kéo dài nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Quá trình đô thị hóa nhanh đã làm diện mạo của địa phương ngày càng phát triển với nhiều nhà cao tầng, trung tâm thượng mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động kéo theo nhiều nguy cơ về cháy, nổ.  
Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra nguồn nước phục vụ công tác PCCC mùa nắng nóng
Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra nguồn nước phục vụ công tác PCCC mùa nắng nóng
Giai đoạn từ năm 2015 - 2020, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tuy được kìm giữ nhưng vẫn còn xảy ra nhiều. Toàn tỉnh đã xảy ra 405 vụ cháy, làm chết 4 người, bị thương 6 người, thiệt hại tài sản trên 67 tỉ đồng; 135 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 300 ha rừng; 5 vụ nổ. Các vụ cháy, nổ cơ bản được tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời, không để cháy lan rộng, kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Phần lớn các vụ cháy tập trung tại địa bàn thành thị, trong đó số vụ cháy nhà dân chiếm tỉ lệ 48%. Ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan vẫn là do một bộ phận người dân thiếu ý thức và kiến thức về PCCC. Theo số liệu điều tra nguyên nhân vụ cháy, thì số vụ cháy, nổ do ý thức chủ quan của con người gây ra chiếm tỉ lệ cao nhất. Cụ thể 50% vụ cháy do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện; 18% do vi phạm sơ suất trong quá trình sử dụng điện.

Huy động sức mạnh từ tỉnh đến cơ sở

Xác định công tác đảm bảo an toàn PCCC là một trong những điều kiện phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của các ngành, các cấp, hệ thống chính trị tham gia công tác PCCC. Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 47, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 17/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi Chỉ thị 47 được ban hành, Tỉnh uỷ Nghệ An đã tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Chỉ thị, đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục ban hành 1 chỉ thị, 1 công điện, 1 thông báo và nhiều công văn chỉ đạo các cấp uỷ Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác PCCC. 
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành, thị uỷ đổi mới nội dung, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Căn cứ tình hình thực tế, các ngành, địa phương đã có hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt là ở cơ sở đã xuất hiện những cách làm hay, trong đó, đã vận động phát huy vai trò xung kích, gương mẫu tham gia công tác PCCC&CNCH của các đảng viên, hội viên, người uy tín trong các tôn giáo, cộng đồng dân cư và nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH. Công an tỉnh phối hợp các ngành, cấp uỷ, chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hơn 1.100 buổi tuyên truyền về công tác PCCC với hơn 150.000 lượt người tham gia, mở 489 lớp huấn luyện với gần 40.000 lượt người tham gia. Để tăng cường mối quan hệ phối hợp và nâng cao hiệu quả công tác PCCC, Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh ký kết 18 Quy chế phối hợp trong công tác PCCC&CNCH với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh; 36 Quy chế phối hợp với các đơn vị Quân sự, doanh nghiệp có phương tiện chữa cháy trên địa bàn để phối hợp xử lý các tình huống cháy, nổ lớn xảy ra.
Để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong công tác PCCC, Công an Nghệ An đã kí kết 18 quy chế với các sở, ban, ngành. cơ quan. đơn vị trên địa bàn
Để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong công tác PCCC, Công an Nghệ An đã kí kết 18 quy chế với các sở, ban, ngành. cơ quan. đơn vị trên địa bàn
 
Phát huy hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ“, các cấp ủy Đảng đã chủ động làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC, gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đội ngũ lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, dân phòng thường xuyên được tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ. Song song với đó, duy trì hoạt động 66 mô hình điển hình tiên tiến trong công tác PCCC, 3 mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác PCCC rừng.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu 

Chuyển biến rõ nhất trong thực hiện Chỉ thị 47 đó là ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cơ sở. Để có kết quả này, Tỉnh ủy đã tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng, trong đó đề cao vai trò của thủ trưởng các đơn vị liên quan trong thẩm định, cấp phép các loại thủ tục có liên quan đến việc bố trí, xây dựng dự án, công trình. Các dự án, công trình có nguy hiểm về cháy, nổ cao như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà chung cư cao tầng; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; bệnh viện... Cùng với đó, Nghệ An đã tập trung tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhất là ở các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót, kiến nghị khắc phục, đồng thời quyết liệt xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn PCCC. Giai đoạn 2015 - 2020, các ngành chức năng đã kiểm tra công tác PCCC tại 29.413 lượt cơ sở, phát hiện, lập hơn 2.990 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hơn 6 tỉ đồng, ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 4 cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC. Tỉnh cũng đã chỉ đạo tổ chức 3 đợt thanh tra chuyên ngành đối với 38 cơ quan, đơn vị, cơ sở, qua đó đã xử phạt 9 cơ sở vi phạm. 
 
Để làm tốt công tác PCCC, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, Chỉ thị số 47, Nghệ An đã tập trung các nguồn lực xây dựng lực lượng làm công tác PCCC. Trong đó lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH là lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác PCCC&CNCH. Theo đó, Nghệ An đã quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ lực lượng PCCC, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Song song với đó chủ động tham mưu tranh thủ các nguồn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nòng cốt làm công tác PCCC tại cơ sở; công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong thực hiện nhiện vụ PCCC&CNCH được duy trì và ngày càng chặt chẽ hơn.
 
Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47, vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp ngày càng được nâng cao, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác PCCC&CNCH, góp phần tích cực kìm giữ, làm giảm số vụ cháy, nổ xảy ra, phục vụ tốt sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 
.

Huyền Thương