(Congannghean.vn)-Dù không đủ khả năng xin việc làm nhưng nhiều đối tượng đã tự tạo cho mình một vỏ bọc hào nhoáng về các mối quan hệ lớn để dụ dỗ, lừa phỉnh người khác “sập bẫy”. Trước nhu cầu lớn về việc làm, không ít người cả tin vào lời giới thiệu của các đối tượng để rồi lâm vào tình cảnh trớ trêu khi “tiền mất, tật mang”. Qua một số vụ lừa đảo “chạy việc” trong thời gian qua, đang tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người.
Những năm gần đây, tình trạng thất nghiệp, không có việc làm ở nước ta đang ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000 người; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 người lên 726.000 người. Tính theo trình độ chuyên môn, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỉ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Nhìn chung, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014.
Các đối tượng Nguyễn Trọng Nguyên và Ngô Sỹ Quy |
Tại Nghệ An, gần đây chưa có số liệu thống kê tin cậy về số lượng người thất nghiệp hoặc chưa có việc làm, nhưng trước đó, vào năm 2013, con số hơn 7.000 cử nhân trên toàn tỉnh thất nghiệp đã khiến dư luận lo ngại. Tuy nhiên, nhìn vào tốc độ phát triển kinh tế và số lượng học sinh, sinh viên ra trường trong những năm gần đây liên tục gia tăng, có thể dự báo rằng, số người thất nghiệp, không có việc làm trên địa bàn tỉnh ta sẽ không dừng lại ở con số nêu trên. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng lừa đảo “chạy việc” tìm cách thâm nhập, hoạt động.
Mặc dù các phương tiện truyền thông, các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo về tình trạng lừa đảo “chạy việc”, nhưng trước nhu cầu bức thiết về việc làm đã khiến cho nhiều người cả tin, mắc lừa.
Ông Nguyễn Thanh X. trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, phản ánh: Đầu năm 2013, thông qua mối quan hệ thân thiết, tôi biết Nguyễn Thị Hoa trú tại xóm 3, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đô Lương (nay đã bị thôi việc - P.V), có khả năng “chạy việc”.
Tôi hẹn gặp Hoa tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An bàn bạc và thỏa thuận mức giá để xin cho con gái tôi được vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Tổng số tiền trọn gói theo thỏa thuận giữa hai bên là 180 triệu đồng. Tôi đưa trước cho Hoa 80 triệu đồng tiền “đặt cọc”, số còn lại sẽ giao hết sau khi con gái tôi có quyết định chính thức. Thế nhưng, sau thời gian học việc gần 6 tháng nhưng con gái tôi không được tuyển dụng như lời hứa ban đầu, tôi tìm đến địa chỉ cơ quan và nhà ở của Hoa thì được biết, Hoa đã đi đâu không ai biết!
Những bộ hồ sơ “xin việc” bất thành |
Thời gian vừa qua, cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã liên tục đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó chủ yếu là lừa xin việc, chạy việc. Cụ thể, mới đây, Công an huyện Yên Thành đã bắt và khởi tố 2 đối tượng Nguyễn Trọng Nguyên (SN 1967) trú tại xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và Ngô Sỹ Quy (SN 1956) trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, tỉnh Nghệ An về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Tuyết trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, từ cuối năm 2014 đến tháng 3/2015, Nguyễn Trọng Nguyên đã nhận của chị tổng cộng 6 đợt, với số tiền là 280 triệu đồng, để xin vào làm việc tại một số cơ quan, ban, ngành ở tỉnh Nghệ An… Tuy nhiên, chờ mãi không thấy Nguyên báo tin gì về kết quả xin việc, chị Tuyết gọi điện hỏi thì Nguyên tìm mọi lý do để biện minh cho sự chậm trễ của mình. Nghi ngờ lời hứa của Nguyên không trung thực, chị Tuyết yêu cầu đối tượng trả lại tiền đã đặt cọc thì hắn không chịu trả, vì vậy chị Tuyết đã viết đơn tố cáo hành vi của Nguyên.
Sau khi củng cố đầy đủ hồ sơ, tài liệu, Công an huyện Yên Thành đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Trọng Nguyên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đấu tranh, Nguyên khai nhận thêm 2 đồng bọn khác là Ngô Sỹ Quy (SN 1956) và Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1975) cùng trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Theo đó, sau khi nhận tiền từ một số người nhờ xin việc, Nguyên đã chuyển cho Quy 175 triệu đồng và Oanh 39 triệu đồng để “chạy việc” nhưng tất cả đều không thành.
Qua một số vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo xin việc là tự “đánh bóng” mình bằng các mối quan hệ lớn, trong đó có cả những kẻ đang là cán bộ Nhà nước nhưng ham làm giàu bất chính. Không ít người đã tin theo những lời “hứa hão” để rồi phải lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, vì hầu hết số tiền đã “đặt cọc” trước đó chưa biết đến khi nào mới lấy lại được.
Theo phân tích của giới nghiên cứu, một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thất nghiệp là do công tác giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều điểm bất cập. Các nhà trường chưa tạo ra kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho người lao động, phần lớn người bị thất nghiệp không được đào tạo cho thị trường lao động, mặc dù hệ thống đào tạo và dạy nghề đã tương đối phát triển. Do đó, có nhiều người tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không thể tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đã đào tạo, gây lãng phí rất lớn về thời gian và công sức của người học cũng như xã hội.