Thứ Sáu, 11/12/2020, 08:11 [GMT+7]
Công an huyện Anh Sơn

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường

(Congannghean.vn)-Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị những kiến thức, kỹ năng, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Đó là những biện pháp mà Công an huyện Anh Sơn đã triển khai trong thời gian qua nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường.

Công an huyện Anh Sơn làm việc với nữ sinh                                 gây gổ đánh nhau
Công an huyện Anh Sơn làm việc với nữ sinh gây gổ đánh nhau
Vừa qua, trên địa bàn huyện Anh Sơn nổi lên tình trạng học sinh đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Vào ngày 1/10, trên mạng xã hội xôn xao trước video quay cảnh một nhóm nữ sinh trên địa bàn xã Hội Sơn chửi bới, đánh đập một nữ sinh lớp 8. Nhận được thông tin, Đội An ninh Công an huyện phối hợp với Công an xã Hội Sơn xác minh nguyên nhân, có hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ tính răn đe,  theo đúng quy định của pháp luật  đối với các trường hợp này. 
 
Theo đó, chỉ vì mâu thuẫn trong lúc mua hàng online trên mạng facebook mà các em học sinh gồm B.T.S., T.P.L. cùng học lớp 8B; T.T.Q. học lớp 7A, Trường THCS Hội Sơn, huyện Anh Sơn có hành vi đánh em L.N.A. học lớp 8B trước cổng trường. 
 
Tiếp đó, vào ngày 5/11, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Anh Sơn xảy ra một vụ bạo lực học đường. Cảnh hai học sinh gồm N.S.C. trú tại xã Đức Sơn và P.T.Đ. trú tại thị trấn Anh Sơn, học sinh lớp 11C dùng tay đánh nhiều lần vào mặt, chân, bóp cổ bạn cùng lớp là N.H.H. tại lớp học được quay lại, tung lên mạng xã hội facebook. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an huyện Anh Sơn đã chỉ đạo Đội An ninh phối hợp với Công an thị trấn Anh Sơn tiến hành xác minh và xử lý.
 
Ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Công an huyện Anh Sơn đã trực tiếp làm việc với gia đình và nhà trường, đề nghị quan tâm hơn nữa đối với con em và học sinh, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa bạo lực học đường, tạo môi trường tốt nhất cho các em vui chơi, học tập và phát triển.
 
Thời gian qua, nhận thấy tình hình học sinh gây gổ đánh nhau có chiều hướng gia tăng, với tính chất nguy hiểm, phức tạp, Công an huyện Anh Sơn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 46 buổi tuyên truyền lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực học đường tại các trường học, khu dân cư với hơn 12.700 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân tham gia; tổ chức 14 diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân với hơn 2.200 quần chúng nhân dân tham gia, trong đó tập trung phản ánh những ý kiến đóng góp của người dân về vấn nạn bạo lực học đường; tổ chức 2 hội nghị củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tự quản về ANTT, ra mắt các mô hình về công tác bảo đảm ANTT trong trường học...
 
Bằng việc đưa ra những dẫn chứng vụ việc cụ thể trong đời sống hiện nay, CBCS Công an huyện Anh Sơn đã giúp cho các em học sinh hiểu được rằng, bạo lực học đường không đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà đằng sau đó, nó còn là những vấn đề vô cùng phức tạp dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm tra tấn, hạ nhục nhân phẩm gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là vào độ tuổi học sinh. Đây là giai đoạn để phát triển, đang hoàn thiện về bản thân cả thể chất và tinh thần. Khi chịu những áp lực này, các em dễ bị khủng hoảng, ảnh hưởng về tâm lý.
 
Bên cạnh tập trung tuyên truyền các quy định cũng như cảnh báo các hệ lụy, Công an huyện Anh Sơn đã cung cấp, trang bị cho các em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống xâm hại, điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình theo đúng chuẩn mực, đạo đức, lối sống của học sinh, nâng cao ý thức trách nhiệm về việc bảo đảm ANTT trong trường học. Đặc biệt, trước công nghệ 4.0 như hiện nay, thì mỗi học sinh cần phải thông minh khi sử dụng điện thoại, mạng xã hội. Khi thấy các vụ việc, cần kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy, cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý, tránh tình trạng a dua, cổ súy cho những việc làm sai trái. Ngoài ra, bản thân các em học sinh  cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hướng tới sự nhân văn, nhân lên tình yêu thương trong mỗi con người.
 
Thực tế, để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, ngoài sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội thì vấn đề cốt lõi là bản thân các em học sinh cần phải nâng cao ý thức của mình, có như vậy mới phòng ngừa được vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng nhức nhối hiện nay.
.

Phan Tuyết

.