Dù ra đời sau những ca khúc khác viết về Covid-19, nhưng "Ghen Cô Vy" lại bất ngờ thành công vượt khỏi sự tưởng tượng của những người thực hiện. Từ hiệu ứng "Ghen Cô Vy", giới show biz Việt đã có sự thay đổi khi tham gia vào các dự án sáng tạo phục vụ tuyên truyền!
Cũng hướng đến mục đích kêu gọi cộng đồng chủ động phòng ngừa virus corona, ca khúc "Ghen Cô Vy" có ca từ cổ động: "Cùng rửa tay xoa xoa xoa đều. Hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng. Và hạn chế đi ra nơi đông người".
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của "Ghen Cô Vy”, nằm ở vũ điệu rửa tay được biên đạo tương tác thăng hoa với giai điệu. Không chỉ tạo ra cơn sốt tại Việt Nam, ca khúc "Ghen Cô Vy" nhanh chóng được đón nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí, nhiều diễn đàn uy tín toàn cầu cũng nhắc đến "Ghen Cô Vy" như một hiện tượng thời Covid-19.
Tín hiệu vui đầu tiên là trong chương trình "Last Week Toningt" của nhân vận truyền hình ăn khách Jonh Oliver trên kênh HBO. Bằng sự hưng phấn, Jonh Oliver không tiếc lời ca ngợi "Ghen Cô Vy" và còn lắc lư theo vũ điệu rửa tay khi giới thiệu một trích đoạn của ca khúc này.
Kênh HBO ca ngợi ca khúc "Ghen Cô Vy". |
Sức ảnh hưởng của Jonh Oliver khiến ca khúc "Ghen Cô Vy" không còn là câu chuyện của riêng Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh nhân loại đương đầu với hệ lụy virus corona. Chính Jonh Oliver cho rằng "ca khúc như một bài hát hộp đêm sôi động" thì dĩ nhiên người ta phải tò mò về một ca khúc tuyên truyền.
Kênh đánh giá và xếp hạng âm nhạc Billboard nhận định, để dập dịch Covid-19, Việt Nam đã có chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức xã hội rất hiệu quả thông qua ca khúc "Ghen Cô Vy". Billboard nhấn mạnh: "Ca khúc cực kỳ hấp dẫn và nghe lọt lỗ tai, nhằm thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa như rửa tay và vệ sinh. Mục tiêu là truyền đạt cách bảo vệ bản thân khỏi virus corona và phát huy tinh thần cộng đồng. Bài hát này sẽ mắc kẹt trong tâm trí bạn nhiều ngày, còn MV hoạt hình cũng thú vị không kém".
Vậy, ca khúc "Ghen Cô Vy" bắt đầu từ đâu để đi một vòng chinh phục quốc tế như vậy? Trước hết, cần ghi nhận công lao của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thuộc Bộ Y tế. Với mong muốn tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cộng đồng để chung tay chống dịch, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã chi tiền cho một dự án sáng tạo, và ca khúc "Ghen Cô Vy" được xuất hiện.
Từ kế hoạch sơ khai "Trong thời khắc quan trọng chiến đấu với dịch bệnh, chúng tôi mong ca khúc có thể truyền thêm lửa cho những chiến sĩ tuyến đầu của cuộc chiến này. Đó là đội ngũ chuyên gia, các y bác sĩ, các nhân viên y tế và hàng triệu người lao động, những người ở tiền tuyến vẫn tiếp xúc và đấu tranh hàng ngày với dịch bệnh", Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng không thể nào tiên liệu "Ghen Cô Vy" lại lan tỏa rộng khắp.
Xin lưu ý, "Ghen Cô Vy" không phải một ca khúc độc bản mà là tác phẩm phái sinh. Dựa theo ca khúc "Ghen" của Minh và Erik từng xôn xao các trang âm nhạc trực tuyến cách đây 3 năm với hơn 100 triệu lượt xem, nhạc sĩ Khắc Hưng đã viết lời khác thành "Ghen Cô Vy". Không ai phủ nhận giá trị của ca từ và giai điệu, nhưng linh hồn của "Ghen Cô Vy" lại nằm ở vũ điệu rửa tay do biên đạo Quang Đăng dàn dựng.
Biên đạo Quang Đăng xuất thân là một vũ công thành danh từ game show "Thử thách cùng bước nhảy" năm 2012. Suốt 8 năm theo đuổi nghề nghiệp, biên đạo Quang Đăng có sự đột phá khi góp mặt trong dự án sáng tạo "Ghen Cô Vy" bằng quan niệm: "Tôi muốn sử dụng ngôn ngữ riêng của mình là điệu nhảy để truyền bá thông tin chính xác về cuộc chiến với Covid-19 đến càng nhiều người càng tốt. Đặc biệt là những người trẻ. Họ thường không nhận được thông tin chính xác. Tôi nghĩ kiến thức là sức mạnh, đây là thời đại thông tin. Thông tin sai lệch ở khắp mọi nơi. Vì vậy, nhận thức đúng và thông tin đúng là rất quan trọng để chúng ta có thể sử dụng quyền lực của mình theo cách đúng đắn".
Biên đạo Quang Đăng chỉ mất 15 phút để từ ý tưởng hoàn thiện các động tác cho vũ điệu rửa tay. Và những hình ảnh bắt mắt trong "Ghen Cô Vy" đã rung động thẩm mỹ của đám đông. Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF đã giới thiệu ca khúc "Ghen Cô Vy" trên fanpage chính thức của họ, với sự tán dương: "Chúng tôi rất yêu thích vũ điệu rửa tay của vũ công người Việt Nam- Quang Đăng. Rửa tay với xà phòng và nước là cách đầu tiên để bảo vệ chúng ta khỏi virus corona".
Năm nay 31 tuổi, biên đạo Quang Đăng cũng là một tên tuổi được giới show biz Việt tin cậy khi hợp tác các tiết mục có múa minh họa. Từ vũ công của nhóm Bước Nhảy, Quang Đăng đoạt Á quân "Thử thách cùng bước nhảy" và càng ngày càng chứng tỏ khả năng nghệ thuật cá nhân.
Ngoài sàn nhảy, biên đạo Quang Đăng cũng từng tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim như "Bếp hát" hoặc "Kế hoạch đổi chồng". Trước sự gặt hái đáng tự hào của ca khúc "Ghen Cô Vy", biên đạo Quang Đăng chia sẻ: "Tôi hoạt động từ 2012 đến giờ và cũng trải qua rất nhiều thăng trầm. Lần này, tôi thực hiện dự án vì mục đích thiện nguyện và góp sức cho cộng đồng thì không ngờ lại được chú ý như vậy.
Tôi nghĩ rằng khi mình tạo ra một sản phẩm mà chỉ nghĩ về giá trị của nó thay vì danh tiếng, tiền bạc và hướng tới cộng đồng thì tất nhiên nó sẽ được lan tỏa. Đầu tiên về phần nghe, đây là bài hát có giai điệu rất bắt tai. Nó được phát hành cách đây 2 năm và giờ được viết lại lời rất phù hợp với hoàn cảnh.
Về phần nhìn thì những động tác mà tôi nghĩ ra rất dễ nhớ. Nó giúp người xem nhớ được lời bài hát nhanh và rõ ràng hơn. Yếu tố cuối cùng, quan trọng nhất, đó chính là sự đồng sức, đồng lòng trong hoàn cảnh bệnh dịch như hiện tại".
Vũ công Quang Đăng. |
Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, biên đạo Quang Đăng cũng… thất nghiệp khi các tụ điểm giải trí đóng cửa vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong cái "nguy" đã có cái "cơ" như biên đạo Quang Đăng thổ lộ: "Cái làm thay đổi cuộc sống của tôi nhất những ngày qua chính là con virus corona. Từ Tết tới giờ, tôi không có công việc nào hết mà chỉ ở nhà. Tôi mất hết show nên chỉ đi tập gym, tập nhảy… Tất cả công việc bị hủy và lùi qua nhiều tháng sau. Tôi cũng chưa biết lùi đến bao giờ. Tuy nhiên, đây là tình cảnh chung của mọi người nên tôi cũng đành chấp nhận. Nhân thời gian rảnh rỗi, tôi rèn luyện bản thân nhiều hơn. Hơn nữa, rất may mắn là đúng thời điểm rảnh rỗi thì bên Bộ Y tế lại gọi điện và đưa cho tôi nghe bản demo của “Ghen Cô Vy”, sau đó cùng nhau đưa ra ý tưởng dance challenge. Qua đó, tôi chọn một đoạn nhạc và dựng đoạn nhảy để đưa lên mạng kêu gọi mọi người cùng tham gia.
Sự nổi tiếng của điệu nhảy lại làm cuộc sống của tôi thay đổi một lần nữa. Nhiều báo chí, chương trình truyền hình, thậm chí đến từ quốc tế liên hệ với tôi. Rồi người thân, bạn bè cũng gọi điện, nhắn tin chúc mừng…".
Từ thành công của "Ghen Cô Vy", nhiều nghệ sĩ khác cũng có ý thức thay đổi dòng nhạc tuyên truyền. Ví dụ, ca sĩ Thái Thùy Linh đã cover lại ca khúc "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu thành ca khúc "Ông bà anh thời Covid-19" khiến tác giả bản gốc trầm trồ: "Tôi thấy thú vị, bất ngờ, không nghĩ bài được chế lời rất hợp thời như thế!".
Còn ca sĩ Thái Thùy Linh không ngần ngại bộc bạch: "Khi bắt đầu viết lời 2, tôi phải ngồi một lúc tua lại những vấn đề nổi cộm liên quan đến đại dịch. Trong đầu hiện lên những cảnh rất kinh khủng ngày hôm trước tôi vừa xem trong video về thành phố Vũ Hán".
Điểm son của ca khúc "Ông bà anh thời Covid-19" là sự hài hước: "Và thời ấy kinh khủng lắm con ơi. Chạm tay nhau một giây thôi là… rửa tay đã đời. Ông bà anh chẳng nói gì với nhau. Trong thang máy, hay những chỗ đông người đứng chung. Và có nhiều lúc bà anh giận dỗi khi. Cứ đi đâu xa, là lúc về ông lại… tự cách ly".
Bấm Play để xem video bản tin HBO ngợi ca cách tuyên truyền của Việt Nam