Văn hóa - Giáo dục
Bất cập trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích xuống cấp
(Congannghean.vn)-Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 1.400 di tích, trong đó có 362 di tích đã được xếp hạng. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh là những di sản vật thể có giá trị lịch sử và tinh thần to lớn. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hiện nay có nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo; nhiều hiện vật bị hư hỏng do công tác bảo quản vẫn chưa được chú trọng. Trên thực tế, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của các di tích, hiện vật vẫn còn hạn chế.
Nhiều di tích xuống cấp
Năm 2008, đền Rậm ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên được công nhận Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đền được xây dựng năm 1831, là nơi thờ tự các vị tướng của Lê Lợi như Lê Lô, Cao Sơn, Cao Các và Nguyễn Quang Hợp - người đã nhận hết tội về mình để cứu họa diệt vong cho cả làng khỏi sự tàn ác của quân Minh. Đây không chỉ là chốn linh thiêng mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc hiếm có.
Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Rậm ngày càng xuống cấp nghiêm trọng |
Theo tài liệu của Hội Di sản: "Đền Rậm được chạm trổ công phu…, tất cả các mảng chạm đều là những bức tranh nghệ thuật, những điển tích sinh động đã được các nghệ nhân chạm khắc trên gỗ với những đường nét lưu loát, tinh xảo đến mức cao nhất để tạo nên những bức tranh sinh động, tránh được sự thô kệch nặng nề. Nhìn chung có thể nói, chạm khắc ở đền Rậm, đặc biệt là đền Rậm trong là một sự thao diễn kỹ thuật nghề mộc một cách tinh tế của nghệ nhân có tay nghề rất cao”. Thế nhưng, sau gần 3 thế kỷ tồn tại, sự bào mòn của thời gian, mưa nắng cộng với mối mọt tàn phá, công trình nghệ thuật độc đáo này đang ngày càng xuống cấp, hư hại.
Khu di tích lịch sử quốc gia đền Xuân Hòa, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai được công nhận năm 1997 cũng chịu cảnh xuống cấp tương tự. Hiện nay, đền vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng gỗ quý và nhiều sắc phong, tư liệu, sách cổ bằng chữ Nho quý, thế nhưng tất cả đều không còn được nguyên vẹn mà đã bị mối mọt, nấm mốc.
Trong số hơn 360 di tích đã được xếp hạng thì có gần 50% di tích lịch sử bị xuống cấp. Hầu hết các hạng mục ở các khu di tích đã bị xuống cấp, không giữ được hiện trạng ban đầu. Kéo theo đó là các hiện vật quý ở các khu di tích này cũng bị hư hỏng do không được bảo quản đúng cách.
Ông Phạm Công Vinh, Trưởng phòng Tu bổ di tích, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An cho biết: Các di tích lịch sử được xây dựng từ rất lâu đời, lại là những công trình kiến trúc gỗ cổ kính, chịu tác động trực tiếp theo thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai. Ngoài ra, với độ ẩm thấp, hầu như các hạng mục đều bị mối mọt tàn phá nên phần lớn đã bị xuống cấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình bị hư hỏng nặng đó là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ quản lý, con cháu trong dòng họ trong việc bảo quản, quản lý.
Bất cập trong công tác tu bổ
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 28 di tích lịch sử được đưa vào danh sách các di tích cần được tu bổ cấp thiết, với nguồn kinh phí được UBND tỉnh cấp cho là 2,5 tỉ đồng. Trong số 28 khu di tích này có 3 khu di tích thuộc diện được tu bổ trong năm 2015, tuy nhiên, do không đủ kinh phí nên buộc phải dời lại sang năm nay. Đó là khu di tích đền Bà Quân ở xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu; đình Long Ân ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu và đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.
Với số kinh phí này, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An cho biết, không thể đầu tư tu bổ cho cả 28 di tích mà chỉ đủ để thực hiện trùng tu, tôn tạo đối với 18 di tích; ưu tiên cho các di tích công cộng như đình, đền thờ, chùa…, còn các di tích dòng họ, đơn vị quản lý chỉ có thể hỗ trợ một ít kinh phí và vận động xã hội hóa thông qua việc kêu gọi con cháu trong dòng họ tự đóng góp.
Thực tế cho thấy, nguồn kinh phí hàng năm được cấp cho việc trùng tu, bảo tồn các di tích còn rất eo hẹp. Đây là nguyên nhân khiến cho việc tu bổ di tích còn gặp nhiều khó khăn. Các công trình hạng mục, hiện vật bị hư hỏng không được trùng tu, xử lý kịp thời dẫn đến việc xuống cấp nghiêm trọng ở các khu di tích.
Việc tu sửa đền chùa cần được coi trọng hơn nữa trong thời gian tới |
Ông Phạm Công Vinh chia sẻ: “Hàng năm, chúng tôi đều tiến hành rà soát, lập danh sách các di tích bị xuống cấp để xin kinh phí trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách hạn hẹp mà phải phân bổ cho nhiều nơi nên phải ưu tiên các di tích bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi di tích nhiều nhất cũng chỉ được 250 triệu đồng, di tích dòng họ là 50 triệu đồng. Với kinh phí có hạn nên nói tu bổ hoàn thiện là không thể mà chỉ gia cố theo kiểu “kín trên liền dưới” nghĩa là ưu tiên phần mái không để dột, tận dụng, chắp nối các thanh xà, cột gỗ, giữ nguyên kiến trúc ban đầu của di tích, sau đó đến lát nền, cửa, khắc phục mối mọt…”.
Một khó khăn khác trong công tác tu bổ di tích là do Thông tư 18 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích còn nhiều bất cập.
Theo quy định, các đơn vị thi công phải có chứng chỉ, được cấp giấy phép hành nghề do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cấp. Theo Thông tư này, trên địa bàn chỉ có 2 đơn vị đủ điều kiện thực hiện, do đó tính cạnh tranh và hiệu quả trong quá trình thi công không cao. Đi kèm với đó là thủ tục rườm rà, nghệ nhân để tu bổ trong khắc, chạm trổ các công trình văn hoá di tích hầu như không có, tỉnh Nghệ An phải đi thuê nghệ nhân ở miền Bắc. Không những thế, Nghị định 59 về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì quy trình phê duyệt tu bổ cấp thiết còn phức tạp, dẫn đến việc di tích đã được duyệt kinh phí nhưng chưa thể tu bổ do vướng thủ tục.
Xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo di tích
Hiện nay, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng đang tiến hành lập đề án xây dựng website phần mềm quản lý các di tích danh thắng trên địa bàn giai đoạn 1. Theo đó, phần mềm này sẽ số hóa, sao chụp lại tất cả hệ thống tài liệu của kho để nắm, theo dõi và quản lý hệ thống di tích lịch sử, danh thắng theo ngành dọc.
Bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng phòng Truyền thông, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng cho biết: “Trong năm nay, đơn vị đã tổ chức công tác số hóa các tài liệu Hán Nôm, sao chụp và phục chế lại các tài liệu bị hư hỏng; phối hợp với Thư viện Tổng hợp khoa học TP Hồ Chí Minh hướng dẫn địa phương cách bảo quản, phục chế hiện vật; đồng thời tiến hành kiểm kê khoa học ở các khu di tích tại 5 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành kiểm kê định vị tất cả các hiện vật ở các khu di tích, quá trình này sẽ nắm được tất cả hiện vật để giao trách nhiệm trực tiếp cho địa phương và tổ quản lý; đồng thời xác định mức độ hư hỏng của hiện vật để tìm cách phục chế”.
Trong năm qua, đã có 21 di tích được tu bổ, trong đó có nhiều di tích dòng họ lấy kinh phí thông qua việc vận động con cháu đóng góp. Bên cạnh các dự án bảo tồn, tôn tạo được thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước thì nhiều địa phương cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa. Ước tính hàng năm, số tiền thu được thông qua xã hội hóa khoảng 5 - 6 tỉ đồng. Nhờ vậy, nhiều di tích đã được bảo tồn, tôn tạo với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng như: Xây dựng nhà Trù tại lăng Vua Mai ở xã Vân Diên, chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn… Trong khi chờ kinh phí được phê duyệt thì vận động xã hội hóa được cho là một giải pháp khả thi để chính quyền địa phương và nhân dân thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Huyền Thương