Văn hóa - Giáo dục

Nỗi lo học sinh đuối nước mùa mưa lũ

10:28, 22/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cứ đến mùa mưa lũ, miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng phải hứng chịu và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt. Năm nào cũng có người bị thiệt mạng do lũ lụt, trong đó có các em học sinh bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi học. Vụ tai nạn thương tâm của em Phạm Ngọc Hoàng, học sinh lớp 8B, Trường THCS Nam Kim, huyện Nam Đàn trong trận lũ vừa qua cho thấy việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ là rất cần thiết.

Đã nhiều ngày trôi qua nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm lên ngôi nhà của gia đình em Phạm Ngọc Hoàng. Bố mẹ em vẫn chưa thể gượng dậy sau vụ tai nạn thương tâm của con trai. Sáng 15/10, mặc dù trời mưa lớn, nước ngập sâu ở nhiều tuyến đường nhưng Hoàng vẫn đến trường. Do mưa lớn, nước chảy xiết, em đã không may bị nước lũ cuốn trôi.

Các trường học cần có kế hoạch đối phó với mưa bão, nhất là việc thông báo sớm cho học sinh nghỉ học (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Quỳnh Long đến trường mới được thông báo nghỉ học)
Các trường học cần có kế hoạch đối phó với mưa bão, nhất là việc thông báo sớm cho học sinh nghỉ học (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Quỳnh Long đến trường mới được thông báo nghỉ học)

Nghệ An là địa phương có hệ thống sông hồ dày đặc, địa hình phức tạp. Vào mỗi mùa mưa lũ đến, mặc dù đã được cảnh báo nhưng con số học sinh bị đuối nước chưa giảm. Mưa lũ gây ra ngập lụt cục bộ ở nhiều địa phương, khu vực miền núi; lũ quét gây chia cắt, sạt lở, cô lập ở nhiều nơi, giao thông bị tê liệt, nhất là ở khu vực nhiều sông suối. Học sinh ở những địa bàn này phải đi cả một quãng đường xa để đến trường, vượt sông để đến lớp. Trong khi đó, nhiều điểm trường đóng ở vùng sâu, vùng xa, vắng vẻ, khó đi lại. Trong trận mưa lũ ngày 15/10 vừa qua, tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, giáo viên các trường học đóng trên địa bàn đã túc trực tại các con sông, con suối để thông báo cho học sinh nghỉ học, ngăn không cho học sinh lội sông, lội suối đề phòng xảy ra những tình huống xấu.

Do đặc điểm khí hậu và địa hình phức tạp, nhiều sông suối nên Nghệ An là tỉnh có số lượng học sinh bị đuối nước nhiều nhất trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 29 vụ đuối nước ở trẻ. Không chỉ vào mùa hè mà ngay trong mùa mưa lũ, tình trạng học sinh đuối nước vẫn xảy ra. Ngoài những vụ tai nạn đáng tiếc bị nước lũ cuốn trôi trên đường đến trường thì một trong những nguyên nhân khiến trẻ em bị đuối nước là do các em rủ nhau ra ao hồ để vui chơi, bắt cua, bắt cá. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, không chỉ các nơi bị ảnh hưởng mà mọi người dân đều phải chủ động phòng tránh để đối phó với mùa mưa lũ đang đến gần.

Các trường học và chính quyền địa phương cần có các phương án chủ động đối phó với các tình huống thời tiết bất thường nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, đặc biệt là có kế hoạch thông báo sớm cho học sinh nghỉ học để tránh những tai nạn rủi ro trên đường đến trường. Bên cạnh đó, phía gia đình cũng nên tăng cường quản lý, giám sát, không để các em tự ý ra ngoài chơi trong những ngày mưa bão; đặc biệt, không để các em tự đến trường trong mùa mưa lũ, nhất là ở những điểm có khả năng ngập sâu, khu vực xung yếu, có sông suối chảy qua. Cần thiết hơn cả đó là trang bị kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước cho học sinh.

Tính đến thời điểm này, mưa lũ đã trôi qua nhiều ngày nhưng một số ít địa phương trên địa bàn tỉnh ta học sinh vẫn chưa thể trở lại trường học. Nguyên nhân là vì mưa lũ đã làm hư hỏng một số công trình giao thông, cầu cống dẫn đến giao thông bị chia cắt, nước lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập… Hiện nay, các trường học và người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nhiều do lũ lụt như Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành… đang khẩn trương tổng dọn vệ sinh, khắc phục thiệt hại để học sinh sớm trở lại trường học.

Anh Quân

Các tin khác