Văn hóa - Giáo dục
Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần sự chung tay từ nhiều phía
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, liên tiếp những clip bạo lực học đường đăng tải trên các trang mạng xã hội khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Nhân vật chính trong các vụ bạo lực này là nữ sinh các trường THCS, THPT nhưng lại ra tay hết sức côn đồ, thậm chí các em còn ghi hình cách hành xử của mình để tung lên mạng và xem đó như một chiến tích. Bạo lực học đường là vấn nạn không còn mới, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Cần hướng trẻ đến những hoạt động giáo dục, vui chơi lành mạnh phù hợp với lứa tuổi |
Thực trạng đáng báo động
Những ngày đầu tháng 10, cộng đồng mạng Nghệ An hết sức phẫn nộ trước một loạt clip 3 nữ sinh bị một nhóm nữ sinh khác đánh hội đồng. 3 bạn nữ trong các clip này là học sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) bị bắt quỳ xuống đất để 6 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Long đánh đập, giật tóc. Những gì có thể nhìn thấy trong clip này đó là sự tàn bạo và vô cảm đến lạnh lùng khiến ai xem qua cũng bất bình và phẫn nộ.
Sau khi clip được đăng tải, lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, Công an xã đã triệu tập các học sinh đánh bạn viết bản tường trình sự việc. Được biết, đây là lần thứ tư nhóm nữ sinh này ra tay với các bạn, tuy nhiên vì bị đe dọa nên các nạn nhân không dám lên tiếng. 2 em bị đánh nhiều nhất phải vào viện kiểm tra sức khỏe vì có triệu chứng đau đầu và mắt bị tụ máu.
Trong khi vụ việc ở Nghệ An chưa kịp lắng xuống thì chỉ sau đó vài ngày, trên mạng xã hội lại xuất hiện thêm các vụ bạo lực học đường khác xảy ra ở các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế… Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng gây bức xúc cho dư luận xã hội khi ngày càng bộc lộ sự phức tạp và tính nguy hiểm.
Cô Dương Thanh Thanh, giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Vinh chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trong đó nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng giáo dục từ gia đình, nhà trường và các tác động khác từ xã hội.
Nguyên nhân chủ quan là do đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi. Các vụ bạo lực thường xảy ra ở độ tuổi THCS và đầu THPT. Đây là giai đoạn lứa tuổi “khủng hoảng” tâm lý, với sự mâu thuẫn giữa nhận thức của bản thân với nhu cầu tự khẳng định mình. Trẻ có thể nhận thức không phù hợp về các vấn đề bạo lực học đường cũng như hậu quả của hành vi này nên dễ dẫn tới hành vi bạo lực học đường.
Chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để
Không phải đến bây giờ bạo lực học đường mới được phản ánh mà vấn đề này đã được đưa ra “mổ xẻ” nhiều lần, thế nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng. Đối tượng tham gia vào các vụ việc ngày càng trẻ hóa và hành xử côn đồ hơn, thậm chí còn ghi hình để phát tán lên mạng như một cách để khoe “chiến tích”. Câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Một vấn đề cũng rất được dư luận quan tâm đó là hình thức xử lý như thế nào đối với các học sinh ra tay đánh bạn? Đình chỉ học 1 thời gian, hạ hạnh kiểm hay phạt bằng hình thức lao động… là những hình thức thường thấy. Và trên thực tế, hình thức phạt này chưa thực sự hiệu quả; thậm chí còn gây phản ứng ngược, khiến các em trơ lì về mặt cảm xúc hoặc có những phản ứng tiêu cực hơn; nhiều hình phạt còn đi ngược lại với tinh thần giáo dục như đuổi học, đình chỉ học…
Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Đuổi học các em thì quá dễ nhưng chưa phải là giải pháp tốt. Mục tiêu của giáo dục là dạy các em cách làm người, giúp các em sửa chữa những sai lầm của mình. Việc đưa ra hình thức xử lý có tính giáo dục, đủ sức răn đe để ngăn chặn tái phạm là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức khó khăn”.
Trao đổi về vấn đề này, cô Dương Thanh Thanh cho rằng: “Về góc độ giáo dục, tôi không ủng hộ nếu cho rằng cần có hình thức kỷ luật học sinh khi trẻ có hành vi bạo lực học đường, bởi chính người lớn cũng cần tự nhận thấy phần trách nhiệm của mình dẫn tới hành vi bạo lực ở trẻ. Muốn hạn chế, ngăn chặn bạo lực học đường, hay giải quyết các tình huống bạo lực học đường đã xảy ra, điều cốt lõi là chúng ta cần xác định nguyên nhân để tìm cách giải quyết, tháo gỡ kịp thời và có hình thức giáo dục phù hợp”.
Có thể khẳng định rằng, môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm lý trẻ em, vì thế trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các bậc cha mẹ. Tình thương, sự quan tâm, chia sẻ của cha mẹ sẽ giúp trẻ có lòng yêu thương, hạn chế được các hành vi bạo lực. Nói như thế không có nghĩa nhà trường không có trách nhiệm trong vấn đề này.
Hiện nay, chúng ta vẫn đang chú trọng vào giáo dục tri thức nhiều hơn là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống khi mà các em đang chịu ảnh hưởng, tác động nhiều bởi những điều kiện khác như internet, game online… Để giảm thiểu bạo lực học đường, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục học sinh, nhằm hướng các em tới các hoạt động lành mạnh, phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý của lứa tuổi.
Huyền Thương