Văn hóa - Giáo dục
Huyền tích lèn Hai Vai
(Congannghean.vn)-Lèn Hai Vai là quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia, nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù và tạo ra 3 ngọn núi có hình thù kỳ lạ: Lèn Hai Vai, lèn Cờ và lèn Hổ Lĩnh. Qua bao biến thiên, lèn Hai Vai không còn giữ nguyên được hình khối như xưa. Một vai phía bên Đông đã bị biến mất, nhiều hang động bị vùi lấp chỉ còn lại những tảng đá nằm trơ rọi, chơi vơi. Tuy nhiên, với người dân Diễn Châu, lèn Hai Vai luôn là biểu tượng văn hóa đầy tự hào, kiêu hãnh.
Quần thể di tích lịch sử lèn Hai Vai |
Lèn Hai Vai là một khối đá tự nhiên có chiều dài 800 m, nơi rộng nhất 120 m, nơi cao nhất 141 m. Theo sử sách ghi chép lại, lèn được tạo nên sau cuộc chấn động trong lòng đất cách đây hơn 50 triệu năm. Từ năm 1964, các nhà khảo cổ học phát hiện tại đây xương người hóa thạch, một số công cụ bằng đá và 7 bình gốm. Phát hiện này chứng tỏ lèn Hai Vai từng là địa bàn có người nguyên thủy sinh sống.
Ông Nguyễn Thế Chung (78 tuổi) ở làng Trung Phường, xã Diễn Minh nhớ lại: “Trước đây, lèn có rừng cây rậm rạp với nhiều chim muông, thú rừng. Trong lèn có nhiều hang đá, nước chảy quanh năm. Có một điều lạ là mực nước trong hang cao hay thấp là do mực nước thủy triều ở biển. Ngày nhỏ, tôi cùng bạn bè thường hái quả bưởi, đánh dấu lên đó, vài ngày sau, quả bưởi sẽ dạt về phía cầu Bùng”.
Trong lèn có nhiều hang động, mỗi hang động có cấu trúc độc đáo với nhiều tên gọi khác nhau, gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ như hang Khản, hang Cô Tú, hang Gươm. Trong các hang động, không khí mát lạnh. Trước kia, các nho sỹ thường vào đây nghỉ ngơi, ôn luyện văn chương.
Đặc biệt, hang Thần Đồng được người dân xưng tụng là nơi tỏa linh khí giúp mảnh đất này sinh ra nhiều nhân tài. Các bậc cao niên cho hay, hang Thần Đồng gắn liền với một nhân vật lịch sử nổi tiếng là ông Nguyễn Trung Mậu - vị quan tài giỏi dưới thời nhà Nguyễn. Cha của Nguyễn Trung Mậu từng tham gia đội quân thần tốc của vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Sau khi vua Quang Trung mất, triều đình Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi đã thực hiện chính sách trả thù khốc liệt đối với hậu duệ và tướng lĩnh của Quang Trung. Cha của Nguyễn Trung Mậu phải trốn vào ở trong núi Hai Vai.
Nhận thấy hang Thần Đồng là nơi có linh khí khác thường nên ông đưa con trai lúc đó mới 10 tuổi vào ở trong hang để dạy dỗ, nuôi chí phục thù. Nguyễn Trung Mậu thông minh nên sớm nổi tiếng là thần đồng, sau này đỗ đạt và được giao phó nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Cái tên hang Thần Đồng cũng ra đời từ đó. Người dân địa phương đều cho rằng, nhờ linh khí trong hang Thần Đồng nên Nguyễn Trung Mậu mới trở thành một người tài giỏi như vậy.
Theo truyền thuyết, ngoài cửa hang Thần Đồng có một tảng đá hình tháp bút. Tháp hướng về đâu thì nơi đó có nhiều người tài giỏi, đỗ đạt cao. Ngày xưa, tháp bút hướng về làng Văn Tập (xã Diễn Bình ngày nay) nên trong làng có rất nhiều người học giỏi, đỗ đạt. Sau này, làng Trung Phường (nay là xã Diễn Minh) đã lên núi “yểm” tháp bút quay về phía làng mình. Từ đó, làng Trung Phường có nhiều người đậu cao trong các kỳ thi và làm quan to trong triều. Trên thực tế, cả hai làng Trung Phường và Văn Tập xưa kia đều nổi tiếng có nhiều người tài giỏi và đỗ đạt cao.
Trong tâm thức người dân Diễn Châu, họ coi lèn Hai Vai như biểu tượng có nhiều thần bí. Vùng Lý Trai, Đông Tháp nhìn lèn như tấm bảng đá - vùng này thường có người đỗ đạt cao. Vùng Diễn Đồng, Diễn Thái lắm thóc nên lại thấy lèn Hai Vai có dáng người khổng lồ gánh thóc. Vùng Nho Lâm lắm thợ rèn lại nhìn lèn Hai Vai như một cái đe. Vùng Diễn Thịnh, Diễn Trung lắm người cắt thuốc bắc lại thấy lèn giống cái dao cầu. Phía Đông vùng Diễn Hoa, phụ nữ thanh lịch lại thấy núi như một cô gái để tóc xõa, vai tròn...
Trước đây, ngư dân đi biển còn thiếu phương tiện, họ xem lèn như ngọn hải đăng. Mỗi lần xa bờ gặp thời tiết xấu, ngư dân Diễn Châu dùng lèn Hai Vai định hướng để đưa thuyền vào bờ.
Trải qua bao bồi lấp của thời gian và không gian, lèn Hai Vai vẫn lặng thầm chứng kiến sự đổi thay của quê hương xứ sở. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt của những cuộc giao tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Lê - Mạc. Thời nhà Nguyễn, lèn Hai Vai là căn cứ khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lèn Hai Vai là nơi in ấn tài liệu của Đảng, nơi tập hợp quần chúng, luyện tập quân sự để khởi nghĩa giành chính quyền. Chiến tranh chống Mỹ, lèn Hai Vai dùng làm nơi trú ẩn, cất giấu vũ khí, lương thực, nơi đặt vọng gác máy bay Mỹ từ ngoài biển... Và hôm nay, lèn Hai Vai như một bức tường vững chãi che chắn bão gió, triều cường để mọi người yên tâm làm ăn sinh sống.
Nguyễn Lê