Văn hóa - Giáo dục
Nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch
(Congannghean.vn)-Trong thời kỳ hội nhập, để phát triển ngành du lịch cần rất nhiều yếu tố, trong đó việc xây dựng và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp, có trình độ cao được quan tâm hàng đầu. Có thể nói, họ chính là cầu nối góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa các vùng miền, dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là thiếu đội ngũ chuyên nghiệp.
Cần lắm đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch chuyên nghiệp |
Năm 2016, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sự thay đổi rõ nét. Các điểm du lịch vùng ven biển, trong đó có biển Cửa Lò số lượng du khách giảm; trong khi đó, tại các điểm du lịch sinh thái, vùng núi hay các khu di tích được du khách lựa chọn nhiều hơn.
Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Nghệ An, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng lượt khách lưu trú đạt 1.573.000 lượt, bằng 87% và khách quốc tế đạt 32.760 lượt, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính đến ngày 30/5/2016, trên địa bàn Nghệ An có 41 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 15 trung tâm lữ hành quốc tế với 141 hướng dẫn viên, trong đó có 60 hướng dẫn viên quốc tế. Mặc dù số lượng hướng dẫn viên du lịch tăng nhưng nhìn chung, đội ngũ này vẫn còn thiếu hụt, nhất là hướng dẫn viên du lịch thông thạo ngoại ngữ.
Một hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch chuyên nghiệp ngoài yếu tố về sức khỏe còn cần phải đảm bảo chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và am hiểu lịch sử, văn hóa vùng miền, dân tộc. Đặc biệt là khả năng thông thạo về ngoại ngữ. Tuy nhiên, ở Nghệ An, mới chỉ có 60% hướng dẫn viên có trình độ đại học, 40% có trình độ từ trung cấp đến cao đẳng.
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 7 cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch, trong đó có 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp nghề. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh đào tạo cao đẳng hệ chính quy về hướng dẫn viên du lịch. Theo số liệu do nhà trường cung cấp, năm 2013 có 37 sinh viên theo học ngành Hướng dẫn viên du lịch, năm 2015 giảm xuống còn 28 sinh viên.
Thực tế, nhiều sinh viên ngành du lịch tốt nghiệp ra trường chuyển hướng sang làm nghề khác bởi không thể đáp ứng được nhu cầu. Có thể thấy, chương trình giảng dạy tại các trường còn quá chú trọng đến lý thuyết, các em rất ít có cơ hội thực hành, rèn luyện những kỹ năng cần thiết. Vì thế, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định rất thấp, chủ yếu làm việc theo thời vụ tại các điểm du lịch.
Để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhân lực du lịch, thời gian qua, Sở VH-TT&DL Nghệ An đã phối hợp Ban quản lý Dự án EU tổ chức 4 lớp tập huấn về du lịch có trách nhiệm cho hơn 120 học viên là cán bộ quản lý, nhân viên lao động trong các khách sạn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức lớp tập huấn định kỳ cho 32 hướng dẫn viên trong tỉnh theo chương trình khung bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức định kỳ do Tổng cục Du lịch ban hành năm 2016.
Ngoài ra, phối hợp với Dự án EU tổ chức Hội thảo về hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nghề du lịch, trong đó bàn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường du lịch trên địa bàn; đồng thời, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Phan Tuyết