Văn hóa - Giáo dục
Nhân rộng các hình thức học tập hướng tới xã hội học tập suốt đời
(Congannghean.vn)-“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” là sự kiện quan trọng được tổ chức vào đầu tháng 10 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Đặc biệt, đây cũng là dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm nay được tổ chức từ ngày 2 - 9/10. Tại Nghệ An, lễ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” được tổ chức vào ngày 1/10, tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt, huyện Thanh Chương.
Học sinh đọc sách tại thư viện trong giờ ra chơi |
Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”, “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm nay nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thư viện và tìm kiếm thông tin, hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet, cách sử dụng sách điện tử, thư viện điện tử; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các câu lạc bộ đọc sách online; tuyên truyền vận động người dân đến đọc sách tại các thư viện cộng đồng…
Tại buổi lễ, ông Lưu Đức Thuyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khuyến khích, tạo điều kiện các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và tổ chức các nguồn tài nguyên điện tử hữu ích, tài liệu trực tuyến và tài liệu số để phục vụ hiệu quả nhu cầu khai thác thông tin của nhà trường trong môi trường số. Tăng cường các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách hữu ích...
Nghị quyết số 29/NQ-TW Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (Khóa XI) đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Xã hội học tập được hiểu là một xã hội mà mọi người không phân biệt độ tuổi, trình độ, ngành nghề đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời.
Trong xã hội học tập, các hình thức học tập rất phong phú, đa dạng như học trong trường học, học qua Internet... Trong đó, đọc sách là một hoạt động học phổ biến và mang lại hiệu quả, giúp mọi người nâng cao hiểu biết, tiếp cận với tri thức. Văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài - nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.
Theo số liệu của Thư viện tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, đã có 400.000 lượt bạn đọc đến đọc sách tại Thư viện. Thư viện đã cấp thẻ thư viện mới cho 1.500 bạn đọc. Mỗi ngày, có khoảng 300 bạn đọc đến sử dụng địa điểm, không gian, thiết bị của Thư viện để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Hơn 4.500 thẻ bạn đọc sử dụng tài liệu Thư viện, cung cấp tài khoản truy cập trang tài liệu số của Thư viện, sử dụng phòng máy để truy cập Internet...
Thư viện tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện, trong đó có Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet cộng đồng tại Việt Nam” để tổ chức tuyên truyền về hoạt động thư viện, đồng thời mở rộng quan hệ trao đổi thông tin với các thư viện khác trên cả nước.
Tại TP Vinh, những ngày cuối tháng 9, lần đầu tiên Ngày hội sách cũ được tổ chức trong thời gian một tuần đã thu hút rất đông bạn đọc. Độc giả chủ yếu là những người trẻ thích đọc sách, cũng có nhiều người đến vì tò mò, tuy nhiên khi đến đây, ai cũng chọn cho mình một hoặc nhiều cuốn sách để đọc. Điều này cho thấy, nhiều bạn trẻ vẫn duy trì thói quen đọc sách và tìm thấy sự đam mê, thích thú trong nguồn tài liệu phong phú này.
Ngoài việc tra cứu thông tin, đọc sách qua mạng, một trong những mô hình hoạt động học tập suốt đời được triển khai và duy trì có hiệu quả đó là hoạt động của các thư viện công cộng. Hoạt động này đã đạt được những tín hiệu vui, góp phần thúc đẩy phong trào xã hội học tập, học tập suốt đời phát triển. Hiện, 19/21 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh có thư viện; 123 xã có tủ sách, thư viện; 200 xóm có thư viện công cộng và 5 tủ sách dòng họ.
Ngoài ra, các thư viện, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng hoạt động rất tích cực. Đây được xem là một phương pháp học tập hiệu quả, thuận tiện, phù hợp, góp phần nâng cao văn hóa đọc ở cơ sở.
Huyền Thương