Văn hóa - Giáo dục

Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 - 1/10/2016)

Huỳnh Thúc Kháng - Trọn đời vì nước, vì dân

09:04, 01/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 1/10/2016 là ngày kỷ niệm 140 năm Ngày sinh nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ về một “tượng đài” lịch sử với tinh thần yêu nước, thương dân hết mực cùng nếp sống thanh cao, không màng danh lợi. Tư tưởng cách mạng và những cống hiến của cụ vì độc lập, tự do cho dân tộc đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

 Nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng
Nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng

Nhà cách mạng kiên trung, liêm chính

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876 trong một gia đình nho học ở phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) - địa phương có truyền thống yêu nước và hiếu học. Học giỏi, đỗ cao nhưng cụ không ra làm quan, bởi lẽ, cụ bộc bạch: Nước đã mất, triều đình đã một bề khuất phục giặc ngoại xâm.

Trong không khí sôi động của các phong trào yêu nước chống ách thống trị và áp bức của thực dân phong kiến, cụ Huỳnh cùng 2 cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp tiên phong khai mở phong trào Duy Tân: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, khơi dậy cao trào yêu nước rộng khắp từ Bắc chí Nam, đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, làm rúng động bộ máy thống trị của thực dân Pháp.

Mặc dù bị chính quyền thực dân bắt, tù đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908 - 1921), nhưng cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn.

Ra tù, cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, mong góp sức mình để giúp dân, giúp nước. Tuy nhiên, thấy không thể đạt được ý nguyện, cụ đã khẳng khái từ chức. Trong thời gian làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ bút báo Tiếng Dân, với tư duy sắc sảo và bản tính thẳng thắn, cụ đã công khai đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền, vạch trần chính sách cai trị nô dịch, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến.

Trọn đời phụng sự Tổ quốc

Cách mạng tháng Tám thành công, dù tuổi đã cao nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, cụ đã nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gánh vác việc nước, sát cánh cùng các chiến sỹ cộng sản và đồng bào, đưa đất nước vượt qua những thử thách to lớn, giữ vững nền dân chủ cộng hòa non trẻ.

Là người có uy tín, cụ trở thành người lãnh đạo, biểu tượng của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam - một trong các tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Là nhà lãnh đạo kiên định, khôn khéo, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn giao trọng trách quyền Chủ tịch nước khi Người đi công tác dài ngày ở nước ngoài. Không phụ sự tin tưởng của Người, cụ đã dốc hết nhiệt tâm tranh đấu để giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc trước ngoại bang và ổn định chính trị của đất nước, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động.

Uy tín, tài năng, đức độ của cụ Huỳnh trong thời gian giữ trọng trách quyền Chủ tịch nước đã góp phần tạo nên khối đại đoàn kết rộng rãi trong cuộc đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở thời điểm hết sức hiểm nghèo. Là một sử gia, cụ đã để lại nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của đất nước.

Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, ngày 21/4/1947, cụ ra đi thanh thản, để lại “lời vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đánh giá về cụ Huỳnh, trong thư gửi đồng bào, Hồ Chủ tịch viết: “… Cả đời Cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.

Đã gần 70 năm trôi qua kể từ ngày cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đi, đất nước ta đã có bao sự đổi thay, nhưng dấu ấn của cụ đối với Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn còn mãi. Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh của cụ vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII, là dịp để chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với nhà chí sỹ yêu nước một đời kiên trung, hy sinh vì lợi ích dân tộc. Noi gương cụ, cả đất nước nguyện đoàn kết một lòng, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống anh hùng và văn hiến Việt Nam; đẩy mạnh thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thùy Dương

Các tin khác