Văn hóa - Giáo dục

Dạy ngoại ngữ nào là tùy thuộc các địa phương

08:43, 24/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất. Việc dự định xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017 đã làm dấy lên dư luận trái chiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có thông tin chính thức giải thích rõ về vấn đề này.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính là nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích học thêm các ngoại ngữ khác.

Theo lộ trình thì tới đây, chương trình học lớp 3 đến lớp 12 sẽ thí điểm dạy tiếng Trung, tiếng Nga như một loại ngoại ngữ thứ nhất. Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.

Để thực hiện lộ trình này, Bộ GD&ĐT sẽ sớm thẩm định và ban hành chương trình làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa phù hợp. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Băn khoăn về việc triển khai thí điểm cùng lúc nhiều ngoại ngữ, bà Lê Anh Thơ, nguyên Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng: Nhu cầu ở mỗi địa phương có thể khác nhau về việc lựa chọn các ngoại ngữ khác nhau. Tuy nhiên, theo cá nhân bà, chúng ta vẫn cần nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh vì tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu và cần thiết nhất hiện nay.

“Các ngoại ngữ khác các em có thể chọn để học thêm nếu có nhu cầu, chứ chưa cần thiết phải đưa vào giảng dạy như ngoại ngữ 1. Ngoài ra, để đưa tiếng Trung, tiếng Nga vào giảng dạy chương trình chính thức, cần phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Liệu mình có thể làm tốt việc này khi giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn vẫn còn "khan hiếm"” - bà Thơ đặt vấn đề.

Còn theo PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì cần có một khảo sát thực tế xem nguyện vọng của người học với 2 ngoại ngữ này. Cũng theo ông Tình, bây giờ cả thế giới dùng tiếng Anh và Việt Nam không phải ngoại lệ. Học tiếng nào rồi cũng phải quay về tiếng Anh. Tất nhiên, với nhiều lĩnh vực, nhiều người, có thể chọn một ngoại ngữ chuyên sâu nhưng cho triển khai đại trà tại thời điểm này thì e rằng chưa phù hợp.

Việc thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung từ lớp 3 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Ảnh minh họa.
Việc thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung từ lớp 3 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Ảnh minh họa.

Trên trang cá nhân của mình, GS.TS Văn học Trần Đình Sử cũng đề nghị chủ trương thí điểm dạy tiếng Trung và tiếng Nga từ lớp 3 trong năm 2017 phải được đem thảo luận ở Quốc hội, sau đó mới thi hành bởi dạy ngoại ngữ là một vấn đề quốc sách.

Trước ồn ào của dư luận trái chiều về việc Bộ GD&ĐT có kế hoạch thí điểm đưa chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm vào các trường, tối 22-9, Bộ GD&ĐT đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, “ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc. Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18-5-2011 về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

“Ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai.

Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ GD&ĐTcho phép dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy học.

Về kế hoạch thực hiện chương trình tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, Bộ GD&ĐT giải thích, việc này nằm trong nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành. Tuy nhiên, việc lựa chọn ngoại ngữ nào để giảng dạy là ngoại ngữ thứ nhất thì tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu của địa phương chứ Bộ không quy định cứng phải chọn ngoại ngữ nào.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác