Văn hóa - Giáo dục
Hơi thở thời đại trong dân ca kịch
(Congannghean.vn)-Cuối tháng 8 vừa qua, tại Cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 được tổ chức tại TP Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã xuất sắc giành Huy chương Vàng cho vở kịch hát dân ca “Thầy và trò”. Với vở diễn “Sống dậy một vùng quê”, nhiều diễn viên giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, làm rạng danh nghệ sĩ xứ Nghệ, góp phần khẳng định sức sống của thể loại sân khấu: Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Những năm 70 của thế kỷ trước, ngành văn hóa Nghệ Tĩnh đã dàn dựng, thử nghiệm các vở diễn sử dụng chất liệu dân ca ví, giặm để phát triển tình huống, xung đột kịch, diễn tả nội tâm nhân vật. Quá trình đó gọi là “sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh” và tạo ra thể kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Dấu mốc đáng ghi nhớ của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh là vở “Mai Thúc Loan” đã được công chúng hưởng ứng nhiệt liệt và giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc khu vực năm 1985.
Vở diễn “Thầy và trò” đã lột tả tâm lý nhân vật qua từng vai diễn |
Từ đó đến nay, hàng chục vở diễn đã ra đời và được công chúng đón nhận. Việc đưa dân ca từ môi trường diễn xướng dân gian lên sân khấu đã đánh thức, khơi dậy cảm thức thẩm mỹ về âm hưởng ngọt ngào, sâu lắng của những câu hò điệu ví, trở thành máu thịt trong tâm hồn mỗi người dân xứ Nghệ. Thành công của 2 vở diễn tại cuộc thi lần này là đã biết khai thác, vận dụng chất liệu dân ca, tạo nên sự đồng cảm rộng lớn, sâu sắc trong lòng công chúng.
Vở diễn “Thầy và trò” của tác giả Đăng Chương, đạo diễn: NSND Ngọc Giàu, âm nhạc: NSƯT Nguyễn Đình Đắc được đánh giá là rất gần gũi và mang hơi thở cuộc sống. Vở diễn được chuyển thể bằng làn điệu dân ca, nói lên những hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng. Ở đó, có những người thầy bị tha hóa, biến chất, đánh mất nhân phẩm, đạo đức. Ở đó, có những sinh viên bị đánh cắp niềm tin, nảy sinh tiêu cực như: Gian lận trong thi cử, học giả, bằng thật… Từ đó làm nhụt ý chí vươn lên của một bộ phận sinh viên. Nghệ sĩ An Ninh chia sẻ: “Đã gần 20 năm, tôi mới trở lại vai trò diễn viên.
Từ khi tập luyện đến biểu diễn chỉ vẻn vẹn hơn 2 tuần nhưng các anh chị em trong đoàn đã miệt mài trau chuốt cho vai diễn của mình. Những gì họ thể hiện trên sân khấu đã chứng tỏ ý thức trách nhiệm, niềm đam mê với nghiệp diễn. Dù vai chính hay vai phụ, mỗi người đều trăn trở, tìm tòi và sáng tạo để lột tả tính cách nhân vật”. Ở vở diễn “Thầy và trò”, nghệ sĩ An Ninh vào vai một hiệu trưởng đam mê nghiên cứu khoa học mà quên đi vai trò của người quản lý. Trong vở diễn, tính cách nhân vật được bộc lộ sâu sắc: Một người thầy bị tha hóa, biến chất, sau nỗi đau đã kịp nhận ra lỗi lầm và bỏ qua chức vụ để xây dựng lại trường, đúng nghĩa của một người thầy. Mặc dù 20 năm không đứng trên sân khấu nhưng lửa đam mê vẫn vẹn nguyên trong người nghệ sĩ như thời trai trẻ. Và, vai diễn này đã giúp nghệ sĩ An Ninh giành Huy chương Vàng.
Vở diễn “Sống dậy một vùng quê” đã góp một tiếng nói vào quá trình xây dựng nông thôn mới - vấn đề đề đang được quan tâm hiện nay. Mấu chốt của vở diễn là tìm ra được hướng đi tích cực và phản ánh thực trạng: Tiến lên nông thôn mới nhanh hay chậm, làm sao có được niềm tin vào quần chúng nhân dân và loại trừ những vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Với cách lột tả tính cách nhân vật qua từng vai diễn, “Sống dậy một vùng quê” đã xuất sắc giành được 3 Huy chương Vàng.
Với những người nghệ sĩ đứng trên sân khấu, không có niềm hạnh phúc nào hơn sự đón nhận của công chúng qua từng vai diễn. Và, có thể nói, ca kịch chuyển thể sang dân ca ví, giặm đã tạo nên sức hấp dẫn, có sự tương tác sâu sắc, nhuần nhuyễn trong từng nhân vật, mang đến sự lột xác mới mẻ ở Cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016.
Phan Tuyết