Văn hóa - Giáo dục

Hỗ trợ học sinh vùng biên giới tới trường

Nghĩa tình vượt biên giới

09:04, 14/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Không chỉ nhận đỡ đầu, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn hai tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An còn nhận đỡ đầu học sinh nước bạn Lào để con đường đến trường của học sinh bớt chông gai hơn, giúp các em theo đuổi ước mơ con chữ.

Đỡ đầu học sinh nước bạn Lào

Bố mất sớm, tất cả công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay mẹ của Thò Nong Mai, cụm bản Phăn Thoong, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn lo liệu. Nhà nghèo, một mình mẹ làm lụng vất vả nhưng vẫn không lo đủ cái ăn, cái mặc cho 2 mẹ con, vì thế Thò Nong Mai thường xuyên phải bỏ học giữa chừng.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn nhận đỡ đầu em Lầu Y Dở trú tại bản Loọng Quặng, cụm bản Noọng Tây, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào)
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn nhận đỡ đầu em Lầu Y Dở trú tại bản Loọng Quặng, cụm bản Noọng Tây, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào)

Thấu hiểu mơ ước được đến trường  của em, bắt đầu từ năm học này, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã nhận đỡ đầu Mai để em được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Hiện nay, Thò Nong Mai đang học Trường Tiểu học bản Đen Đín.

Theo chân các đồng chí BĐBP tới thăm hỏi, động viên các em học sinh nhân dịp năm học mới, trong câu chuyện với các anh, chị Vừ Nong Đa (mẹ của Thò Nong Mai) xúc động: “Bộ đội Việt Nam không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ mọi người phát triển kinh tế mà còn nhận đỡ đầu con em chúng tôi để các cháu được đi học. Nhờ có sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của các anh nên con tôi đã được đến trường học chữ. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam nhiều lắm”.

Ngoài em Thò Nong Mai, hiện nay, các đồn biên phòng ở khu vực biên giới Nghệ An đã nhận đỡ đầu cho 20 học sinh nước bạn Lào. Đây là những học sinh ở các bản đối diện bên kia biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, con em gia đình chấp hành nghiêm quy định về biên giới lãnh thổ 2 nước...

Thượng tá Trần Đăng Khoa, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động nhằm chia sẻ với những khó khăn của học sinh tại địa bàn biên giới, hỗ trợ, giúp đỡ các em có đủ điều kiện đến trường, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An phát động trong toàn thể CBCS tham gia đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới để các em được cắp sách đến trường, tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập, phấn đấu, trưởng thành và trở thành công dân tốt; góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình quân - dân đoàn kết gắn bó.

Đây cũng là hoạt động thể hiện sự tri ân của BĐBP với đồng bào các dân tộc biên giới, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Sau gần 3 năm triển khai (năm 2014), đến nay, các đồn biên phòng đóng chân ở khu vực biên giới và các phòng trực thuộc đã nhận đỡ đầu 100 trường hợp, trong đó có 20 học sinh nước bạn Lào. Mức hỗ trợ cho mỗi em là 500.000 đồng/tháng. Tổng mức hỗ trợ cho 1 năm học là hơn nửa tỉ đồng”.

Với đường biên giới quốc gia trên đất liền dài 419,5 km, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô-ly-khăm-xay của nước bạn Lào, trong đó có những cặp bản Việt - Lào đối diện, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 12 tổ chức kết nghĩa cặp bản - bản đối diện ở hai bên biên giới nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh biên giới nhằm xây dựng, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, lâu dài giữa Việt Nam và nước bạn Lào.

Theo đó, hiện có 18 cặp bản đối diện ở địa bàn biên giới đã tổ chức kết nghĩa. Trong quá trình thực hiện, nhận thấy học sinh nước bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể đến trường nên Bộ Chỉ huy đã giao cho các đồn biên phòng khảo sát, lập hồ sơ và tổ chức nhận đỡ đầu các em đến hết lớp 12. Với mục đích lâu dài là tạo điều kiện để các em được học đại học, cao đẳng, sau này trở về địa phương công tác, tạo nguồn cán bộ cho địa phương và giúp đỡ BĐBP, vận động bà con tham gia quản lý, bảo vệ biên giới.

Thêm yêu thương cùng em đến trường

Để kịp thời động viên học sinh trong năm học mới 2016 - 2017, trong dịp lễ khai giảng ngày 5/9, các đơn vị trực thuộc BĐBP Nghệ An trên 2 tuyến biên giới đã tổ chức tặng quà, hỗ trợ học bổng cho các trường hợp học sinh thuộc diện đỡ đầu. Theo đó, đại diện các đơn vị đã trao tặng 97 suất học bổng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó với mức 500.000 đồng/em/tháng.

Ngoài ra, các đơn vị còn tặng thêm một số phần quà như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... Tiêu biểu như Đồn Biên phòng Môn Sơn đã trao tặng 2 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng cho học sinh nghèo hiếu học Trường THCS Môn Sơn; Đồn Biên phòng Mỹ Lý trao tặng 4 suất học bổng cho Trường THCS Bắc Lý và THCS Mỹ Lý.

Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lực lượng BĐBP đã giúp học sinh nghèo ở khu vực biên giới được đến trường, thắp sáng ước mơ của các em trên con đường đi tìm con chữ, để các em có điều kiện vươn lên trong học tập.

Từ lâu, các đồng chí BĐBP đã trở thành người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh nơi đây. Không chỉ nhận đỡ đầu các em học xong lớp 12, BĐBP còn tạo điều kiện, giúp đỡ các em trong quá trình học đại học. Em La Thị Nga trú tại bản Tùng Hướng, xã Tam Quang, huyện Tương Dương được BĐBP nhận hỗ trợ từ khi còn là học sinh lớp 5, giờ đây em đã là sinh viên năm thứ 2, Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Vinh.

Tâm sự với chúng tôi, Nga xúc động: “Nhà em nghèo lắm, bố lại mất sớm, học hết lớp 4 em phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ. Nhờ các chú bộ đội mà em được đi học trở lại. Hàng năm, em đều được nhận học bổng và cuối năm còn được đồn biên phòng tặng quà vì đạt thành tích cao trong học tập. Nhờ sự giúp đỡ của các chú mà em mới có được ngày hôm nay. Em sẽ nỗ lực thật nhiều để trở thành người có ích cho xã hội, sau này trở về quê hương giúp sức cùng các chú bảo vệ biên cương, xây dựng quê hương”.

Chúng tôi tin, mong muốn của sinh viên La Thị Nga cũng chính là trăn trở, ước mơ cháy bỏng của các em học sinh ở hai tuyến biên giới đang được BĐBP giúp đỡ. Bởi, những ước mơ đó đã được nuôi dưỡng bằng tất cả tình yêu thương, hy vọng và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Huyền Thương

Các tin khác