Văn hóa - Giáo dục
Nặng lòng với câu ví giặm quê nhà
(Congannghean.vn)-Ở tuổi 80, mặc dù sức khỏe đã giảm sút nhiều do bệnh tim hành hạ, thế nhưng tình yêu dành cho dân ca ví, giặm xứ Nghệ vẫn luôn cháy bỏng trong ông như thuở ban đầu. Ông là nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Bình trú tại khối Nho, phường Nghi Hải, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Bình sưu tầm những làn điệu dân ca cổ |
Nghệ nhân Nguyễn Cảnh Bình sinh ra và lớn lên tại vùng quê ven biển thuộc phường Nghi Hải, TX Cửa Lò. Ông chia sẻ: “Thuở bé, tôi thường ghé bãi Ngang chơi đùa với cát, với biển. Hình ảnh người dân chài nằm nghỉ trên chiếc võng và cất cao những câu hò, điệu ví đã in đậm trong tâm trí tôi. Tôi yêu dân ca từ trong cảnh lao động rất đỗi bình dị, mộc mạc với những sáng sớm thuyền đầy ắp cá tôm, là làn da rám nắng của người dân miền biển bao đời không biết mệt mỏi…”.
Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, mẹ mất sớm, nhà nghèo, năm 11 tuổi, Nguyễn Cảnh Bình đã phải khăn gói lặn lội ra tận tỉnh Nam Định mưu sinh, kiếm sống. Nơi đất khách quê người, cuộc sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng ông vẫn cất cao tiếng hát với niềm lạc quan yêu đời. Từ trong khó khăn, gian khổ, ông lại mong muốn được đi hát, biểu diễn và sáng tác.
Đem tâm nguyện ấy, năm 1951, ông trở về quê hương - mảnh đất Tân Nho yêu dấu sau bao năm dài xa cách. Về với biển và những con người lao động nghĩa tình, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi suốt ngày hát hò, ca xướng. Và rồi, tiếng hát của ông đã chạm đến trái tim của nhiều người, trong đó có Trưởng đoàn Văn công quân khu Tây Bắc.
Năm 1961, Nguyễn Cảnh Bình đầu quân cho Đoàn văn công quân khu Tây Bắc. Những năm tháng nơi chiến trường, ông đã cùng đồng đội cất cao tiếng hát, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.
Nhắc đến sự nghiệp sáng tác của mình, nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ: “Sau một thời gian gắn bó với Đoàn văn công quân khu Tây Bắc, năm 1966, tôi chuyển về Đoàn văn công Sông Mã. Tại đây, tôi đã sáng tác ca khúc “Thay anh bám biển giữ làng”. Đây cũng chính là tác phẩm đầu tay tôi viết về những người dân quê mình: “Ai về Nghi Lộc, Nghệ An mời ghé thăm Nghi Hải quê tôi, xã viên bám biển không rời, bốn mùa te lưới lộng khơi… cho dù cướp Mỹ ngoài khơi, bom rơi, đạn nổ không rời, không sờn lòng nữ chúng tôi…”.
Với những ca từ giản dị nhưng hào hùng, ca khúc “Thay anh bám biển giữ làng” được đánh giá là một trong những bài hát ý nghĩa về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Với tác phẩm này, tên tuổi của Nguyễn Cảnh Bình đã được nhiều người biết đến. Tác phẩm cũng được đoàn văn nghệ phường Nghi Hải và TX Cửa Lò biểu diễn tại các hội diễn văn nghệ quần chúng.
Năm 1973, ông bị thương trong một lần biểu diễn. Do sức khỏe yếu và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông xuất ngũ trở về quê hương và tiếp tục mang tiếng hát phục vụ bà con nhân dân.
Từ đó, ông gắn bó hoàn toàn với dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Ông dành tâm huyết cho việc hát, sáng tác, sưu tầm và bảo tồn các làn điệu dân ca. Lần dở những cuốn sổ ghi chép sau những lần đi thực tế, ông không quên nhắc đến người thầy đầu tiên dạy nhạc cho mình, đó là nhạc sĩ Võ Văn Di.
Ngày qua ngày, ông vẫn miệt mài, chịu khó đạp chiếc xe cọc cạch đi đến những nơi còn lưu giữ các làn điệu dân ca. Mỗi lần bắt gặp một làn điệu mới hay tìm được một làn điệu cổ, ông lại ghi ghi chép chép và thể hiện rõ niềm vui sướng của mình.
Đến nay, ông đã tìm được những làn điệu dân ca cổ như Hò xô nốc, Xẩm cúng, Hò cá thửng…Ngoài những tác phẩm dân ca, ông đã sáng tác được gần 30 ca khúc mang âm hưởng dân ca, các làn điệu hò, kịch bản về diễn xướng… Trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải cao tại Hội diễn văn nghệ quần chúng.
Năm 2014, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân gian Việt Nam. Hiện nay, ông là cộng tác viên tích cực của Chi hội Nghệ sĩ Nghệ An.
Mặc dù đã bước sang tuổi 80, sức khỏe ngày càng yếu đi nhưng tình yêu với dân ca ví, giặm vẫn cháy mãi trong huyết quản của người con miền biển. Chia tay nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Bình trong một buổi chiều muộn, lời tâm sự của ông vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi: “Còn sống là tôi còn phát triển các làn điệu dân ca ví, giặm, bởi quê hương đang còn nhiều thứ để tôi tâm huyết, sáng tác, gìn giữ và bảo tồn…”.
Phan Tuyết