Văn hóa - Giáo dục

Nhiều trường chuẩn quốc gia đứng trước nguy cơ 'rớt' chuẩn

08:29, 27/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia được xem là một trong những tiêu chí hướng đến nền giáo dục chất lượng cao. Để đạt được danh hiệu này, các trường đã phải nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, để đạt chuẩn đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó gấp bội phần. Và, trên thực tế có nhiều trường học trong đợt thẩm định, công nhận lại đã bị “rớt” chuẩn và hiện nay, nhiều trường chuẩn cũng đang đứng trước nguy cơ này.

Trong năm học 2015 - 2016, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Theo đó, tiến hành kiểm tra, công nhận lại 387 trường đã đạt kết quả sau 5 năm, kiểm tra công nhận thêm 15 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 51 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 956 trường, đạt tỉ lệ 62,93% tổng số trường mầm non và phổ thông công lập toàn tỉnh, xếp thứ 2 sau tỉnh Hà Tĩnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Việc đảm bảo cơ sở vật chất ở các trường chuẩn bậc mầm non                                 rất khó thực hiện vì tình trạng quá tải (Trong ảnh: Các cháu xã Quỳnh Vinh,     TX Hoàng Mai học nhờ tại nhà văn hóa)
Việc đảm bảo cơ sở vật chất ở các trường chuẩn bậc mầm non rất khó thực hiện vì tình trạng quá tải (Trong ảnh: Các cháu xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai học nhờ tại nhà văn hóa)

Trong số 956 trường đạt chuẩn quốc gia có 296 trường mầm non (59,20%), 457 trường tiểu học (84,31%), 174 trường THCS (42,40%) và 30 trường THPT (43,47%). Đây là kết quả khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Trong đó, nhiều địa phương có tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt mức cao như Cửa Lò 95,4%; Thái Hòa 90,6%; Quỳ Châu 83,7%...

Để đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực lớn của các trường trên địa bàn tỉnh bởi quá trình phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia rất gian nan. Tuy nhiên, sau khi được công nhận thì việc giữ được danh hiệu và nâng cao mức độ chuẩn lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, nhiều trường chuẩn đã và đang đứng trước nguy cơ bị “rớt” chuẩn. Nguyên nhân chính là do các trường xây dựng đã lâu, hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng nặng, thiếu phòng học, quá tải ở các lớp học, thiếu giáo viên, nhất là ở bậc học mầm non. Điều này cho thấy công tác xây dựng và công nhận trường chuẩn quốc gia đang bộc lộ những bất cập.

Theo quy định, thời hạn công nhận trường chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Sau khi hết thời hạn, các trường tự đánh giá, trình các cấp theo thẩm quyền để được kiểm tra công nhận lại. Năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức thẩm định lại đối với các trường chuẩn đã công nhận được 5 năm. Kết quả, có nhiều trường đã bị cắt danh hiệu trường chuẩn. Trong số 341 trường tiểu học thẩm định có 13 trường đã không được công nhận lại. Trường Tiểu học Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) được công nhận là trường chuẩn quốc gia từ năm 2003.

Kết quả đó là sự nỗ lực phấn đấu của nhà trường và chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp trường lớp, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện nay, nhà trường có 2 điểm trường với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị phục vụ dạy và học đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu, quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong đợt rà soát, thẩm định lại trường chuẩn quốc gia, Trường Tiểu học Quỳnh Bảng là 1 trong 3 trường của huyện Quỳnh Lưu không được công nhận lại. Nguyên nhân là do từ năm học 2015 - 2016 đến nay, nhà trường đang thiếu phòng học. Trong năm học này, nhà trường mới chỉ có 25 phòng học, trong khi cơ cấu phải là 31 lớp.

Không chỉ riêng Trường Tiểu học Quỳnh Bảng, nhiều trường chuẩn quốc gia đã bị “rớt” chuẩn. Ghi nhận ở một số trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Học sinh tăng, phòng học cũ, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu dạy và học cho giáo viên và học sinh dẫn đến tình trạng thiếu phòng, thiếu lớp. Một điểm chung là hầu hết các trường học này đều thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng miền núi, nông thôn nên việc huy động các nguồn lực xã hội xây dựng trường học còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, việc đầu tư xây dựng trường học nằm ngoài khả năng, ngân sách của nhà trường và chính quyền địa phương.

Theo Quyết định 32/2005 của Bộ GD&ĐT về quy chế công nhận trường chuẩn quốc gia phải đạt 5 tiêu chuẩn: Tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất và thiết bị; chất lượng giáo dục; công tác xã hội hoá giáo dục. Trong đó, yêu cầu tối thiểu là phải đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, tuy nhiên tiêu chí này rất khó thực hiện, nhất là ở bậc học mầm non. Những năm gần đây, giáo dục mầm non công luôn trong tình trạng quá tải, không thể đáp ứng hết nhu cầu đến trường của trẻ, tại nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng các cháu phải học tạm, học nhờ ở nhà văn hóa...

Mặc dù đã tiến hành thẩm định, công nhận lại trường chuẩn quốc gia, tuy nhiên xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều băn khoăn về chất lượng các trường được công nhận lại bởi vẫn còn tình trạng nới lỏng tiêu chí đánh giá hoặc cho “nợ chuẩn”. Một câu chuyện khó tin xảy ra tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, đó là mặc dù được công nhận trường chuẩn quốc gia từ 6 năm trước nhưng đến nay, trường tiểu học và trường mầm non ở xã Châu Phong đều chưa có điện lưới.

Rõ ràng, quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia hết sức gian nan. Vì thế, ngoài việc chăm lo nâng cao chất lượng giáo dục, cần có sự đầu tư hỗ trợ ngân sách xứng đáng từ địa phương đối với các trường đã được công nhận. Có như thế, chất lượng của các trường chuẩn quốc gia mới thực sự đảm bảo và có tính bền vững.

Anh Quân

Các tin khác