Văn hóa - Giáo dục
Để dân ca ví, giặm 'sống' trong cộng đồng
(Congannghean.vn)-Đến với Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm nay, chúng ta thấy được sự trao truyền thế hệ rất rõ và có sự xuất hiện của nhiều hạt nhân trẻ hát hay. Có thể nói, dân ca ví, giặm đã ăn sâu, neo đậu trong tâm hồn của mỗi người con xứ Nghệ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo này vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt, tiếp tục được trao truyền và tồn tại bền bỉ trong đời sống đương đại.
Một tiết mục tại Liên hoan Dân ca ví, giặm cấp cụm |
Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010. Sau 2 năm được tổ chức liên tỉnh tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Mục đích của việc tổ chức Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là nhằm bảo tồn và phát huy di sản trong cộng đồng. Và, chỉ khi “sống” trong cộng đồng, dân ca ví, giặm mới được bảo tồn và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Liên hoan còn là sân chơi bổ ích, ý nghĩa đối với các tầng lớp nhân dân. Những làn điệu dân ca ví, giặm ca ngợi quê hương, đất nước, các phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa của mỗi làng quê đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu được giá trị của cha ông để lại, hạn chế những tiêu cực ngoài xã hội…”.
Nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi trong đời sống nhân dân, Liên hoan Dân ca ví, giặm được tổ chức từ cấp huyện, thành, thị, cụm đến cấp tỉnh. Giữa những ngày tháng 9, Liên hoan Dân ca ví, giặm cấp cụm diễn ra trong không khí vui tươi, hào hứng.
Với 50 CLB được lựa chọn từ cấp huyện, cấp cụm được chia thành 4 cụm, tổ chức tại các huyện: Nghi Lộc, Anh Sơn, Nghĩa Đàn và TX Cửa Lò. Đến với Liên hoan năm nay có thêm nhiều CLB như: Dân ca ví, giặm Nghĩa Liên, Dân ca ví, giặm Nghĩa Khánh thuộc huyện Nghĩa Đàn…Mặc dù mới tham gia nhưng các tiết mục được dàn dựng công phu. Đặc biệt, ở Liên hoan Dân ca ví, giặm năm 2016 đã thấy được một sự trao truyền thế hệ rõ nét.
Những năm trước, các bậc cao niên trên 80 tuổi vẫn theo con, theo cháu đi hát thì năm nay xuất hiện nhiều em học sinh có giọng hát hay như em Phạm Thị Phương ở huyện Đô Lương, 3 chị em ruột ở huyện Yên Thành… Ngoài những cụm phụ thuộc vào tác giả chuyên nghiệp thì Liên hoan năm nay xuất hiện nhiều cây viết mới như: Nguyễn Cảnh Sơn, Minh Tâm, Trọng Thìn ở huyện Thanh Chương; Phan Thế Phiệt ở huyện Yên Thành; Nhật Minh ở TX Cửa Lò…
Đa dạng về màu sắc nhưng cùng chung chủ đề là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống và phong trào xây dựng nông thôn mới được diễn xướng đặc sắc, sáng tạo, để lại dấu ấn tại Liên hoan, khơi dậy trong lòng người xem niềm tin, tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dường như tình yêu dân ca ví, giặm đã ăn sâu trong máu thịt của mỗi người dân xứ Nghệ nên khi đến với Liên hoan, chúng tôi cảm nhận được lòng nhiệt huyết, cháy hết mình trên sâu khấu của các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên. V
ới giọng hát ngọt ngào, sâu lắng, em Phạm Thị Phương, học sinh lớp 8 đến từ huyện Đô Lương đã xuất sắc giành giải Nhất với tiết mục “Phụ tử tình thâm” ở Liên hoan Dân ca ví, giặm cụm 2. Phương chia sẻ: “Khi còn bé, được mẹ hát cho nghe các làn điệu dân ca, sau này đến trường, thầy cô hướng dẫn nên đã khơi dậy tình yêu dân ca trong em”... Người dân xã Minh Thành, huyện Yên Thành, thường nói gia đình anh Ánh, chị Hoa là CLB dân ca gia đình. Trong nhà không lúc nào ngớt những làn điệu dân ca, đặc biệt là của 3 cô con gái. Với giọng hát tròn, ấm của Ánh Nguyệt, chất giọng thanh cao của Bình Dương, các em đã để lại ấn tượng sâu sắc tại Liên hoan Dân ca ví, giặm cụm 1 năm nay.
Sau những ngày tham gia tranh tài sôi nổi, Ban giám khảo đã chọn ra 16 CLB để trao giải Nhất, Nhì, Ba và tham gia liên hoan cấp tỉnh được tổ chức vào trung tuần tháng 10 sắp tới. Có thể nói, Liên hoan là dịp để những người yêu dân ca có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát dân ca Nghệ Tĩnh trong toàn ngành, trong các tổ chức đoàn thể, để dân ca được “sống” mãnh liệt trong cộng đồng …
Phan Tuyết