Văn hóa - Giáo dục
Mang 'ánh sáng' cho người khiếm thị
(Congannghean.vn)-Trong phòng đọc internet của Thư viện tỉnh Nghệ An, một nhóm người khiếm thị đang làm bạn với những chiếc máy vi tính. Họ đang được tập huấn để sử dụng máy vi tính và tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) theo chương trình Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng” tổ chức tại Nghệ An. Nếu như không tận mắt chứng kiến người khiếm thị lướt web, vào facebook và gửi email thì tôi không dám tin đó là sự thật. Dẫu cho đôi mắt không thể nhìn thấy nhưng từ nay họ có thể tiếp cận được với ánh sáng của tri thức thông qua chiếc máy tính và internet.
1. Chị Nguyễn Hồng Vân (SN 1972) trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh không may bị mù bẩm sinh. Ý thức được hoàn cảnh của mình, từ những ngày còn nhỏ, chị đã tập thói quen tự lập trong mọi việc, duy chỉ có việc đọc sách, báo là chị không thể. Ước mơ của chị là không phải nhờ người khác đọc báo cho mình. Ước mơ tưởng chừng như giản dị nhưng rất đỗi xa vời đối với một người khiếm thị như chị Vân, để rồi từ đó chị đã quyết tâm theo học bằng được máy vi tính.
Người khuyết tật được hướng dẫn cách sử dụng máy vi tính và truy cập mạng internet |
Với người bình thường làm quen với máy tính cũng mất khá nhiều thời gian thì với chị Vân, công việc này càng khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, bằng nghị lực, kiên trì cùng với khả năng học hỏi, tiếp thu nhanh và với vốn tiếng Anh của mình, chị chỉ mất một năm để làm quen với máy vi tính. Sau khi đã sử dụng thành thạo, chị bắt đầu tiếp cận với phần mềm Jaws (phần mềm đọc màn hình) dành cho người khiếm thị. Đến nay, chị Vân có thể sử dụng máy vi tính, truy cập internet và xử lý gần như tất cả các vấn đề trên máy vi tính.
2. Chị Vân tham gia lớp tập huấn “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính & truy cập internet công cộng” lần này với vai trò làm trợ giảng. Tính đến thời điểm này, chị đã tham gia làm trợ giảng, đào tạo 5 khóa tập huấn cho hội viên hội người mù về CNTT trên khắp cả nước. Đây là lớp tập huấn CNTT đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An dành cho hơn 20 người khiếm thị. Trong số họ có những người đã làm việc thành thạo trên máy vi tính, biết truy cập internet, có những người thì đây lại là lần đầu tiên nên phương pháp giảng dạy cũng rất đa dạng để phù hợp với từng đối tượng. Chị Nguyễn Hồng Vân tâm sự: “Người khiếm thị đã kém may mắn nên họ rất khó để hòa nhập với cộng đồng, khó tiếp cận với tri thức trong cuộc sống ngày càng hiện đại. Vì vậy, việc tiếp cận CNTT đã mang đến cho người khiếm thị một sự thay đổi lớn, mang “ánh sáng”, mở “cánh cửa tâm hồn” vốn đã khép chặt từ lâu để chúng tôi biết được các thông tin, tin tức trong cuộc sống hàng ngày, giao lưu kết bạn và hòa nhập với cộng đồng”.
Trong thời gian 10 ngày của lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn để có thể truy cập internet, gửi email, chơi facebook… Sự say mê, học tập nghiêm túc và niềm vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người. Họ đã tìm thấy ánh sáng của thông tin, tri thức thông qua chiếc máy vi tính hay đơn giản chỉ là chiếc điện thoại, mở mang kiến thức, giao lưu với mọi người, những điều mà trước nay họ không thể làm được. Anh Đặng Mạnh Cường, giảng viên Tin học, Trung tâm hướng nghiệp và CNTT trợ giúp người mù Sao Mai (TP Hồ Chí Minh) cũng là một người khiếm thị. Anh Cường cho biết: “Người khiếm thị sử dụng máy tính thông qua phần mềm đọc màn hình bằng cách lắng nghe các thông tin phát ra từ loa. Đây là một loại phần mềm được cài đặt vào hệ thống, hoạt động theo nguyên lý quét và giải mã các ký tự dạng text sang âm thanh, theo điểm dừng của con trỏ. Hiện, có khá nhiều các công cụ đọc màn hình được tích hợp và ứng dụng cho các hệ điều hành trên thế giới. Nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhiều nhất trên thế giới là phần mềm JAWS. Đó là cầu nối mang ánh sáng đến cho những người khiếm thị”.
Với những người khiếm thị việc tiếp cận với CNTT là một nhu cầu chính đáng để giúp họ hòa nhập cộng đồng. Dự án này sẽ hỗ trợ kỹ năng căn bản giúp người khiếm thị sử dụng máy tính, khai thác, sử dụng truy cập mạng để hỗ trợ tìm việc làm, nắm bắt các chính sách dành cho người khiếm thị, hiểu biết pháp luật, vui chơi, giải trí, kết nối với mọi người thông qua facebook, email, youtube…
Chị Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Lớp tập huấn này rất bổ ích, nhờ đó mà em được cập nhật thêm kỹ năng sử dụng máy tính. Với CNTT, nếu không chịu khó học hỏi thường xuyên sẽ bị tụt hậu so với mọi người. Hiện nay, em đã có thể tự check email, giúp ích nhiều cho công việc của em hàng ngày”.
3. Phòng đọc dành cho người khiếm thị được mở vào tháng 4/2013 tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Hiện nay, phòng đọc có hơn 300 cuốn tài liệu bằng chữ nổi và trên 600 tài liệu nghe. Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An cho biết: “Nói là mở phòng đọc nhưng với người khiếm thị việc tự đi đến Thư viện để đọc sách là một điều khó khăn, vì vậy, Thư viện đã nghiên cứu và sử dụng hình thức luân chuyển sách lưu động đến từng cơ sở. Các tài liệu dành cho người khiếm thị được Thư viện chuyển sang dạng tài liệu nghe, lưu trữ vào máy chủ, copy vào usb để luân chuyển đến cho các cơ sở kèm theo hệ thống loa nghe, máy đọc. Cứ 6 tháng 1 lần, Thư viện tổ chức luân chuyển để phục vụ bạn đọc. Đây là cách thức phục vụ tôi cho là phù hợp và khả thi nhất cho người khiếm thị”.
Thư viện tỉnh Nghệ An là một trong 40 thư viện được Bộ Thông tin và Truyền thông và nhà tài trợ chọn để triển khai dự án. Theo đó, Thư viện sẽ là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, thân thiện và bình đẳng cho mọi người, cũng là nơi lưu trữ, phổ biến, khai thác những văn hóa truyền thống địa phương, giao lưu các vùng miền, phổ biến các kiến thức cơ bản, chế độ chính sách, kinh nghiệm… cho người dân trong đó có người khuyết tật.
Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính & truy cập Internet công cộng” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ được triển khai ở 40 tỉnh, thành với mục tiêu góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin máy tính và internet cho các thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã với tầm nhìn mới. Qua đó, tập trung hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi (người khuyết tật) và những người sống ở vùng khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với CNTT và được hưởng những lợi ích về kinh tế - xã hội mà việc tiếp cận CNTT mang lại. Từ đó cải thiện được cuộc sống cá nhân, đồng thời đóng góp được cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Huyền Thương