Văn hóa - Giáo dục

Sửa đổi Thông tư 30

Giảm tải áp lực cho giáo viên

08:14, 12/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 22 quy định đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và khắc phục những bất cập của Thông tư 30 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Với việc điều chỉnh, thay đổi, bổ sung 13 điều trong tổng số 20 điều của Thông tư 30, sự ra đời của Thông tư 22 đã nhận được sự phản hồi tích cực của đội ngũ giáo viên cũng như phụ huynh.

Những điều chỉnh, thay đổi của Thông tư 22 đã giảm bớt áp lực về sổ sách cho đội ngũ giáo viên tiểu học (Trong ảnh: Giờ học của học sinh lớp 2H, Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vinh)
Những điều chỉnh, thay đổi của Thông tư 22 đã giảm bớt áp lực về sổ sách cho đội ngũ giáo viên tiểu học (Trong ảnh: Giờ học của học sinh lớp 2H, Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vinh)

Sửa đổi mang tính nhân văn

Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học là một chủ trương đầy tính nhân văn của Bộ GD&ĐT nhằm hướng tới mục tiêu thay đổi căn bản phương pháp dạy học, đánh giá học sinh ở bậc tiểu học. Không thể phủ nhận những đổi mới của Thông tư này đã làm thay đổi phương pháp dạy học truyền thống vốn đã ăn sâu từ lâu cũng như giảm bớt tâm lý ganh đua về điểm số giữa các em học sinh.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm học thực hiện Thông tư 30 đã xuất hiện những bất cập, hạn chế, gây ra nhiều áp lực đối với giáo viên tiểu học trong việc đánh giá, nhận xét học sinh. Thông tư 22 ra đời trên cơ sở sửa đổi, điều chỉnh những bất cập của Thông tư 30 sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Bởi thế, khi Thông tư 22 ra đời, các giáo viên tiểu học đón nhận với tinh thần hết sức phấn khởi.

Theo đó, Thông tư 22 đã điều chỉnh mức đánh giá học sinh theo 3 mức: Hoàn thành, hoàn thành tốt và chưa hoàn thành thay vì 2 mức hoàn thành và chưa hoàn thành như trước đây. Về đánh giá định kỳ phẩm chất, năng lực của học sinh cũng được thay thế từ 2 mức là đạt và chưa đạt sang 3 mức: Tốt, đạt và cần cố gắng.

Việc thay đổi mang tính định tính, lượng hóa của cả 2 điều này giúp phụ huynh nhìn nhận đúng hơn về học lực của con ở mức độ nào cũng như quá trình rèn luyện của con ra sao, còn điểm nào chưa được để kịp thời hỗ trợ, động viên, phối hợp với giáo viên, nhà trường kịp thời điều chỉnh để con tiến bộ hơn.

Về phía học sinh, khi nhìn vào nhận xét cũng hình dung được mình học ở mức nào, từ đó tạo động lực cố gắng, phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Thông tư 22 còn giữ nguyên kết quả đánh giá bằng điểm số thông qua các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm.

Riêng học sinh lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra giữa kỳ I và II môn Toán, Tiếng Việt để đáp ứng yêu cầu của bậc THCS. Những thay đổi này được đánh giá là rất tích cực, phản ánh sát thực năng lực học tập của từng học sinh.

Giảm bớt áp lực cho giáo viên

Một trong những bất cập lớn được nói đến nhiều nhất trong Thông tư 30 đó là áp lực về hồ sơ sổ sách cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên mất quá nhiều thời gian trong việc ghi sổ sách hàng tháng, nhận xét từng học sinh.

Thông tư 22 quy định thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Hồ sơ đánh giá chỉ bao gồm học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Giáo viên chỉ nhận xét khi thấy cần thiết, thay vào đó là tăng cường nhận xét bằng lời để chỉ ra những điểm nào còn thiếu sót ở học sinh, khuyến khích, động viên các em cố gắng hơn. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh thông qua sổ cá nhân ghi chép, theo dõi học sinh.

Bên cạnh đó, quy định khen thưởng học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện; học sinh có thành tích vượt trội, tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi trong vấn đề khen thưởng, đảm bảo công bằng, tránh sự máy móc dẫn đến những phản hồi không tốt như 2 năm học trước đây. 

Ngoài ra, Thông tư 22 cũng quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh và tăng trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm thông báo với phụ huynh kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Hiệu trưởng có trách nhiệm tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc đánh giá học sinh.

Như vậy, với việc thay đổi và điều chỉnh 13 điều trong tổng số 20 điều của Thông tư 30, Thông tư 22 đã khắc phục được những hạn chế sau 2 năm thực hiện Thông tư cũ, được giáo viên và phụ huynh hết sức đồng tình, ủng hộ.

Huyền Thương

Các tin khác