Văn hóa - Giáo dục

Tháo gỡ 'bài toán' về nhân lực y tế học đường

08:50, 25/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trước thực trạng thiếu đội ngũ nhân viên y tế trong trường học, vừa qua, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã triển khai Thông tư liên tịch số 13/2016 và thực hiện công tác y tế trường học, trong đó có những giải pháp tháo gỡ “bài toán” về nhân lực y tế học đường.

Bên cạnh việc dạy và học thì hiện nay, các trường học đang chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, góp phần phát triển giáo dục một cách toàn diện. Để làm tốt điều đó, trước hết phải có đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra hiện nay không chỉ trên địa bàn Nghệ An mà hầu hết các tỉnh trong cả nước, đội ngũ này vừa thiếu lại vừa yếu.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh                                      phải được các trường học chú trọng hàng đầu
Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh phải được các trường học chú trọng hàng đầu

Theo số liệu báo cáo hoạt động y tế trường học năm học 2015 - 2016 của Sở GD&ĐT Nghệ An, bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT có 922 cán bộ y tế chuyên trách, 648 cán bộ y tế kiêm nhiệm. Tại một số trường trên địa bàn TP Vinh có nguồn kinh phí thì hợp đồng với y tế phường. Còn các huyện chủ yếu là cán bộ y tế kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công tác y tế trường học. Mặc dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn nhưng đội ngũ nhân viên y tế học đường vẫn chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho học sinh. Ngoài ra, do biên chế dôi dư, các địa phương không bố trí được cán bộ y tế trường học, đặc biệt là ở bậc tiểu học và THCS nên các trường tự hợp đồng ngắn hạn. Do đó, một số chế độ chính sách cho đội ngũ này không được đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng công tác y tế trường học.

Trước tình hình đó, vừa qua, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2016, có hiệu lực từ ngày 30/6/2016 nhằm tháo gỡ những vướng mắc về nguồn nhân lực này. Theo đó, nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế đáp ứng quy định hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thái, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Thông tư liên tịch số 13/2016 đã phần nào tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về nguồn nhân lực y tế học đường. Để triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Thông tư đến tận cơ sở giáo dục, trường học đạt hiệu quả, ngoài các văn bản hướng dẫn chỉ đạo, Sở đã tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác y tế trường học cho 90 trường phổ thông, 21 trung tâm GDTX và 21 phòng GD&ĐT trên địa bàn.

Theo đó, lớp tập huấn tập trung vào 8 quy định nêu rõ trong Thông tư về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học. Cụ thể: Tổ chức tập huấn triển khai Thông tư cho cán bộ phụ trách y tế trường học các cấp; thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo công tác y tế trường học tại phòng, ban chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học; xây dựng kế hoạch của ban, hợp đồng với cơ sở y tế địa phương (nếu trường học không có cán bộ phụ trách y tế có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên) để tổ chức khám sức khỏe cho học sinh…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thái, để làm được điều này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí. Trong khi đó, hiện nay, kinh phí dành cho công tác y tế trường học còn thiếu, các trường phần lớn hoạt đông từ nguồn kinh phí 7% của Quỹ bảo hiểm y tế nên ảnh hưởng đến công tác y tế học đường. Ngoài ra, tại một số điểm trường miền núi nằm xa trạm y tế, khi có trường hợp không may xảy ra, việc kết nối với trường học và trạm y tế cũng gặp nhiều khó khăn…

Gia Khánh

Các tin khác