Văn hóa - Giáo dục
Đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp
(Congannghean.vn)-Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) “chốt” phương án thi THPT quốc gia năm 2017 với phần lớn các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó có môn Toán, hiện các trường THPT đã bắt đầu triển khai kế hoạch nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.
Thí sinh hoàn thành bài thi môn Toán kỳ thi THPT quốc gia 2016 |
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có tổng số 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Đây cũng là lần đầu tiên môn Toán thi theo hình thức này nên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh và học sinh. Trong đó, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đều thể hiện tâm lý lo lắng của mình.
Để tháo gỡ tâm lý này, ngày 5/10, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa. Đây là cơ sở để giáo viên soạn bài, đổi mới phương pháp giảng dạy tự luận sang trắc nghiệm, xây dựng đề cương ôn tập và cũng là để học sinh làm quen với dạng đề này. Hiện nay, các trường THPT trên địa bàn cũng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch để học sinh sớm ổn định tâm thế cũng như chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT sắp tới. Yêu cầu đặt ra đối với các trường lúc này là thay đổi cách dạy và học, bám sát chương trình lớp 12 một cách tích cực, linh hoạt.
Tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh), sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, nhà trường đã yêu cầu các tổ Toán họp chuyên môn và giao cho mỗi giáo viên xây dựng một bộ đề trắc nghiệm từ 30 - 50 câu hỏi để làm ngân hàng đề cho nhà trường. Trên cơ sở đó, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy tự luận sang trắc nghiệm.
Hiện nay, học sinh đang được làm quen dần với các bài kiểm tra trắc nghiệm trên lớp với số lượng câu hỏi và mức độ kiến thức phù hợp, mục tiêu chung là giảm bớt dạng bài tập có lời giải quá dài, hướng học sinh làm quen với hình thức trắc nghiệm, không còn tâm lý lo lắng.
Thầy Phan Văn Thái, giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết: Việc thay đổi từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc học và dạy của học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, việc làm bài thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm sẽ hạn chế kỹ năng trình bày, khả năng tư duy cao của học sinh nhưng lại kiểm tra được kiến thức rộng hơn. Về cơ bản, học sinh phải thay đổi một số kỹ năng làm bài, học bài. Nhà trường cũng đang đôn đốc giáo viên và tự mỗi giáo viên cũng phải thay đổi một số phương pháp soạn bài, giảng dạy cho phù hợp.
Với đề thi minh họa môn Toán, học sinh đón nhận khá hào hứng. Em Nguyễn Hoàng Nam, học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 1 cho biết: “Dù thi bằng hình thức nào thì cái quan trọng vẫn là nền tảng kiến thức ở sách giáo khoa. Nếu thi trắc nghiệm, bọn em chỉ tập trung vào các kỹ năng tính toán nhanh”.
Đề thi minh họa Toán năm nay là những kiến thức trong chương trình lớp 12, học sinh không phải mất thời gian ôn lại các phần kiến thức lớp 10, 11. Đề thi có toàn bộ chương trình lớp 12 với 7 chủ đề như phần Đại số: Đạo hàm, hàm số mũ, hàm số logarit, nguyên hàm tích phân; Hình học: Các chương khối đa diện, mặt tròn xoay… Mỗi chủ đề đều có các câu hỏi được sắp xếp trình tự từ dễ đến khó. Trong đó 60% kiến thức cơ bản gồm 30 câu và 40% kiến thức nâng cao gồm 20 câu, đáp ứng cơ bản 2 mục tiêu công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Ngoài ra, trong đề thi cũng có các bài toán có tính liên hệ thực tế như bài toán lãi suất ngân hàng… Tuy nhiên, các giáo viên cho rằng đề thi này hơi dài (8 trang).
Với cách ra đề này, thầy Phan Văn Thái cho rằng, học sinh hoàn toàn thuận lợi trong quá trình học vì chương trình học cũng khá gọn. Tuy nhiên, học sinh phải học đều và học kỹ tất cả các phần, kể cả lý thuyết. Ngoài ra, học sinh cần rèn luyện khả năng tư duy, tính toán nhanh bởi số lượng câu hỏi rất nhiều. Có những câu hỏi học sinh phải tính toán mới đưa ra được đáp số nhưng có những câu hỏi học sinh có thể sử dụng phương pháp loại trừ. Học sinh nên hạn chế thói quen trình bày bài bản như trước mà thay vào đó là phải phân tích và xử lý nhanh.
Thầy Phan Văn Thái cũng cho biết thêm, để làm tốt bài thi trắc nghiệm, học sinh cần học theo cách tóm tắt kiến thức theo từng chủ đề, cần chú trọng học cách phân tích để chọn nhanh hướng làm hoặc chọn kết quả phù hợp, cách dùng phương pháp loại trừ, cách trình bày gọn lời giải, một số kỹ thuật tính nhanh, kỹ năng sử dụng máy tính bỏ túi...
Huyền Thương