(Congannghean.vn)-Trong 2 ngày 12 và 13/6, trong phiên họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đã có 20 câu chất vấn của đại biểu, trong đó nhiều câu hỏi nằm ngoài chương trình đề ra. Những câu hỏi được đại biểu chất vấn liên quan đến những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây, với nội dung tập trung vào kỳ thi THPT quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, chương trình sách giáo khoa mới, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non...
Chỉ còn nửa tháng nữa, học sinh lớp 12 THPT sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục áp dụng hình thức thi mới “hai trong một”. Không nằm ngoài dự đoán, vấn đề này được các đại biểu hết sức quan tâm. Điều khiến họ lo lắng đó là sự thay đổi này quá đột ngột và cách tổ chức cụm thi chưa thực sự phù hợp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, sự đổi mới năm nay là một hoạt động giáo dục quan trọng, với mục đích không để sự gian lận trong thi cử “phá hoại” quá trình giáo dục.
Việc đánh giá học sinh tiểu học vẫn đang nhận được những ý kiến trái chiều (Trong ảnh: Giờ học tại Trường Tiểu học Hồng Sơn, TP Vinh) |
Việc chấm và coi thi đều đã có những quy chế rõ ràng, Bộ đã tính toán barem điểm cụ thể để quá trình thi cử đảm bảo minh bạch, nghiêm túc. Về việc tổ chức cụm thi là hoàn toàn thuận lợi cho các thí sinh, bởi những năm trước, thí sinh phải tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, các cụm thi Quy Nhơn, TP Vinh, Cần Thơ... Năm nay, có tới 38 cụm thi trên cả nước, vì vậy, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, góp phần giảm bớt chi phí đi lại, ăn ở.
Tại Nghệ An, các cử tri rất quan tâm tới những thay đổi, chủ trương mới của ngành giáo dục trong thời gian qua. Ông Nguyễn Tài Hòe trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh bày tỏ mong muốn ngành giáo dục cho biết cách thức tổ chức 2 cụm thi sao để đảm bảo tính nghiêm túc. Ở Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thành lập cụm thi số 25 do Đại học Vinh chủ trì. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đều đã hoàn tất, hầu như không gặp phải vướng mắc nào trong công tác chuẩn bị và tổ chức.
Cùng với cụm thi số 25, cụm thi dành cho học sinh tham dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì cũng đã sẵn sàng. Sở đã bố trí 62 điểm thi chia thành 8 cụm thi ở các huyện lân cận để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Mặc dù kỳ thi có nhiều đổi mới, khiến các thí sinh cũng như các bậc phụ huynh lo lắng nhưng có thể khẳng định, với việc tổ chức kỳ thi chung, thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Vấn đề đang gây tranh cãi đó là việc thực hiện Thông tư 30 trong việc đánh giá học sinh tiểu học. Việc nhận xét học sinh tiểu học kéo theo những thay đổi trong khen thưởng cuối năm đã dẫn đến sự không thống nhất. Bên cạnh đó, phụ huynh không nắm được học lực của con mình vì không có xếp loại học lực. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn thừa nhận, việc đánh giá học sinh tiểu học đang được triển khai ở các nước có nền giáo dục phát triển, nhưng khi áp dụng ở nước ta đã gặp những trục trặc, giáo viên thì lúng túng, bố mẹ thì hoang mang vì không biết học lực của con..., tuy nhiên, những vướng mắc đó chỉ là bước đầu.
Còn trên thực tế, kết quả thu được ở các địa phương lại rất khả quan bởi mục đích của phương thức này là nhằm thay đổi động lực học tập của các cháu từ học vì điểm số sang học để hoàn thiện kĩ năng và hình thành phẩm chất của con người. Bộ trưởng cũng cho biết, ngành sẽ tiếp tục theo dõi, phân tích kết quả để tiến hành tập huấn cho các thầy cô giáo và đội ngũ quản lý giáo dục ở các cấp để việc triển khai diễn ra đồng bộ.
Các đại biểu cũng quan tâm tới vấn đề sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, biên soạn sách giáo khoa mới... Nhiều câu trả lời chất vấn vẫn chưa thỏa đáng và chưa làm cử tri hài lòng. Năm qua, ngành giáo dục là ngành có nhiều thay đổi, với nhiều chủ trương mới, vì vậy được đại biểu và cử tri rất quan tâm. Đổi mới là cần thiết nhưng thay đổi có phù hợp và nâng cao được chất lượng giáo dục đào tạo hay không vẫn đang là nỗi lo của nhiều đại biểu và cử tri. Cử tri mong chờ ngành giáo dục và đào tạo có thêm những giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể cho từng chủ trương đổi mới đang được triển khai để người dân có thể theo dõi, giám sát và phản biện kịp thời.
.