Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201506/bao-chi-cach-mang-viet-nam-90-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-616753/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201506/bao-chi-cach-mang-viet-nam-90-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-616753/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Báo chí cách mạng Việt Nam 90 năm đồng hành cùng dân tộc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 19/06/2015, 15:37 [GMT+7]

Báo chí cách mạng Việt Nam 90 năm đồng hành cùng dân tộc

(Congannghean.vn)-Trên hành trình tìm đường cứu nước, năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc. Việc đầu tiên mà Người làm tại đây là mở lớp chính trị cho thanh niên Việt Nam, trong đó phần lớn là học sinh, trí thức và một số tú tài yêu nước. Cũng chính tại nơi này, Người đã sáng lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Người cũng đã sáng lập Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Người phụ trách. Trong Ban biên tập còn có các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm. Báo Thanh niên ra số đầu tiên ngày 21/6/1925. Từ đó, ngày này được coi là ngày khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Tờ báo Thanh niên hàng tuần bằng tiếng Việt từ tháng 6/1925 đến đầu tháng 4/1927 xuất bản được 88 số. Là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta, Báo Thanh niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập chính Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, qua cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Người đã sáng lập tờ báo Việt Nam độc lập. Số đầu tiên đánh số 101 ra ngày 1/8/1941 đến tháng 8/1942.

Từ tháng 8/1942 đến tháng 5/1945, tờ báo do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách. Tính đến 30/9/1945, báo Việt Nam độc lập xuất bản 129 số. Trong thời gian này, báo Cứu quốc là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh đã xuất bản số đầu tiên vào ngày 25/1/1942, đến Cách mạng tháng Tám, đã xuất bản được 30 số.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan gian trưng bày báo chí CAND -  Hội Báo Xuân toàn quốc 2015 - Ảnh: Xuân Thống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan gian trưng bày báo chí CAND - Hội Báo Xuân toàn quốc 2015 - Ảnh: Xuân Thống

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, báo Cứu quốc chuyển trụ sở về Hà Nội, xuất bản công khai số 31 ngày 24/8/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 8 bài, đăng trên báo Cứu quốc trong tháng 9 và tháng 10/1945, trong đó có những bài như: “Cách tổ chức Ủy ban nhân dân” nhằm hướng dẫn cách thức tổ chức bộ máy UBND, phương pháp làm việc trong giai đoạn xây dựng chính quyền mới, căn dặn cán bộ “Việc gì có lợi cho dân thì nên làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh”, “Phải đặt quyền lợi của nhân dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Trong thời gian từ năm 1945 - 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 400 bài gửi tờ báo Cứu quốc dưới nhiều bút danh khác nhau.

Thời gian sau đó, các tờ báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, các báo, tạp chí của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo viết, báo hình, báo điện tử, các báo của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, báo chí ta ở nước ngoài… với hàng chục nghìn phóng viên sinh hoạt trong Hội Nhà báo Việt Nam đã được bồi dưỡng về lập trường, quan điểm, năng lực, nghiệp vụ báo chí.

Họ có mặt ở tất cả các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trên các lĩnh vực chính trị - xã hội của đất nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Báo chí cách mạng trở thành vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trong và ngoài nước, đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, là Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, vì lợi ích của dân tộc.

Báo chí cách mạng đã góp phần không nhỏ trong việc biểu dương gương người tốt, việc tốt, cổ vũ những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, mọi vùng miền. Trong các cuộc “chiến đấu” ấy, hàng nghìn nhà báo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Hiện nay, báo chí đang và sẽ tiếp tục hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ của mình để có những đóng góp to lớn hơn nữa trong quá trình hội nhập và phát triển, vì một nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
 

.

Nguyễn Minh Châu

.