Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201506/khong-duoc-phep-day-viet-chu-cho-tre-mam-non-616651/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201506/khong-duoc-phep-day-viet-chu-cho-tre-mam-non-616651/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Không được phép dạy viết chữ cho trẻ mầm non - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:55 [GMT+7]

Không được phép dạy viết chữ cho trẻ mầm non

(Congannghean.vn)-Dạy chữ cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 trở thành vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Bởi thế, lẽ đương nhiên, nhiều trung tâm và thầy cô giáo đã mở các lớp học dạy chữ cho trẻ. Tuy nhiên, điều đó đã đi ngược lại với Chỉ thị 2325 ngày 28/6/2013 của Bộ GD&ĐT, trong đó yêu cầu “Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ”.
 
Như chúng ta đã biết, lứa tuổi mầm non là lứa tuổi còn đang non nớt cả về thể chất lẫn năng lực, ở giai đoạn này, nhìn chung, sự phát triển của trẻ chưa toàn diện. Phần lớn trẻ vẫn đang “chơi mà học, học mà chơi”, chủ yếu là phát huy những môn năng khiếu như múa hát, kể chuyện, đọc thơ, bên cạnh đó, việc tiếp thu những kiến thức về văn hóa còn rất hạn chế. Vì vậy, việc cho trẻ học chữ ở giai đoạn này vô hình trung tạo nên áp lực cho trẻ, khiến trẻ mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý về sau.
Cho trẻ làm quen với chữ cái là chuẩn bị kỹ năng để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1
Cho trẻ làm quen với chữ cái là chuẩn bị kỹ năng để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1
 
Chính vì vậy, ngay từ bậc học mầm non, việc trang bị cho trẻ “hành trang” Tiếng Việt để trẻ bước vào lớp 1 chỉ nên dừng ở việc các thầy cô giáo cho trẻ làm quen với chữ cái, hình thành và phát triển ở trẻ khả năng nghe, đọc, phát âm, nhận biết 29 chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Việt.
 
Tiếp nhận Chỉ thị của Bộ GD&ĐT, 2 năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có công văn yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường mầm non thực hiện tốt quy định, trong đó quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ về chấn chỉnh tình trạng dạy học cho trẻ trước khi bước vào lớp 1. Thực hiện đúng, đủ nội dung, lĩnh vực giáo dục phát triển ngôn ngữ trong chương trình giáo dục mầm non. Đa dạng hóa các hoạt động phát triển ngôn ngữ của trẻ thông qua các trò chơi, lồng ghép các hoạt động giáo dục. Nội dung “Tập tô, tập đồ các nét chữ”, “Sao chép một số ký hiệu, chữ cái, tên của mình” theo chương trình giáo dục mầm non được tổ chức thực hiện lồng ghép trong hoạt động tạo hình, hướng dẫn cho trẻ tô, vẽ các nét chữ, ký hiệu thường gặp trong môi trường xung quanh.
 
Theo đó, không sử dụng các vở kẻ ô li, các chữ cái chấm mờ, không dạy trẻ tô, viết mảng tính kỹ thuật. Đối với hoạt động cho trẻ “Làm quen với chữ cái”, theo một chuyên viên mầm non của Sở GD&ĐT, với mỗi nhóm chữ cái, nên cho trẻ làm quen bằng 2 hoạt động học và làm quen với các hoạt động mọi lúc, mọi nơi, cho trẻ làm quen với chữ cái thông qua các trò chơi, các thẻ chữ và có thể tổ chức cho trẻ tô màu các đồ vật, con vật... mà tên gọi có chứa chữ cái đang cho trẻ làm quen. Đây được xem là những việc làm thiết thực, phù hợp nhằm trang bị kỹ năng cần thiết để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, việc dạy trẻ viết chữ ở bậc mầm non gần như đã được mặc định. Nhiều trường hợp trẻ bước vào lớp 1 bị giáo viên phàn nàn vì không biết chữ. Chính điều này đã khiến nhiều bậc phụ huynh chuẩn bị có con bước vào lớp 1 hết sức lo lắng vì sợ con không theo kịp bạn bè nên đã cấp tốc cho con đi học thêm một lớp luyện viết chữ. Điều này đã đi ngược lại với Chỉ thị của Bộ GD&ĐT và vô hình trung tạo nên sự khập khiễng, khi mà “con chị biết chữ” trong khi “con tôi chậm biết viết”...   
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Hường, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Chỉ thị của Bộ GD&ĐT đưa ra là hoàn toàn phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của trẻ ở bậc học mầm non. Đây là lứa tuổi còn non nớt nên việc dạy học chủ yếu chỉ nên dựa trên tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, cho trẻ làm quen với các chữ cái. Sự lo lắng thái quá của nhiều bậc phụ huynh đã vô tình đẩy con em họ rơi vào tâm lý khủng hoảng, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ.
 
Hàng năm, Sở GD&ĐT thành lập các đoàn thanh, kiểm tra về công tác này tại các trường mầm non đóng trên địa bàn nhưng nhìn chung, phần lớn các trường công lập đều thực hiện nghiêm túc quy định, trong khi rải rác một số trường tư thục vẫn còn vi phạm. Vào các dịp hè, các trung tâm, các thầy cô giáo mở lớp dạy chữ ngay tại nhà nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng trên, cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ban, ngành liên quan. 
.

Phan Tuyết

.