Phóng sự
Những 'hiệp sĩ' không nhà
Không nhà cửa, không gia đình... nhưng trái tim của họ luôn rộng mở cứu giúp những người hoạn nạn. Đó chính là lẽ sống mà không điều gì có thể thay đổi được họ.
Giải cứu hai đứa trẻ trong đêm
23 giờ đêm, chị Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) lại ra vị trí quen thuộc chờ khách. Hôm ấy, có hai bé gái trong bộ dạng hoảng loạn, thất thểu đến nhờ chị chở đi bán đôi bông tai.
Chị Hà sinh nghi liền gặng hỏi, chúng nhìn người xe ôm hồi lâu rồi run run nói trong sợ hãi: "Bọn con đang chạy trốn người ta". Biết chuyện chẳng lành, chị dắt hai đứa về nhà, cho ăn cơm, uống nước. Khi lấy lại được bình tĩnh, chúng bắt đầu kể chuỗi hành trình trốn chạy của mình.
Theo đó, N.T.T (13 tuổi) và L.T.H (14 tuổi, cùng ngụ TP Vũng Tàu) do chán học, đua đòi theo bạn bè rủ nhau lên TP Hồ Chí Minh. Cả hai bán chiếc xe đạp được 200.000 ngàn đồng, sau đó bắt xe đò lên bến xe miền Đông. Đang lơ ngơ không biết đi đâu thì hai đứa bị một đám xe ôm vây quanh, nói là dẫn đi tìm việc làm. Họ chở hai em đi lòng vòng khắp các ngõ ngách. Sau đó dừng lại tại một quán cà phê có nhiều võng với những chòi tranh lụp xụp.
Thấy có một cô gái ăn mặc hở hang đang tẩm quất cho một người đàn ông to cao nằm úp mặt, T. hốt hoảng nói: "Chúng con muốn đi làm ở công ty". Gã xe ôm chở hai em đi tiếp, lần này hắn cứ rẽ phải, quẹo trái liên tục. Cuối cùng gã dừng lại tại một ngôi nhà kín cổng cao tường. Sau khi dẫn người vào bên trong, gã quay lại nói với hai em, đây là công ty may, đang tuyển công nhân. Người xe ôm to nhỏ gì với chủ nhà rồi nhanh chóng vụt đi.
Tại đây, hai em được người nhà hướng dẫn công việc ngay. Hàng ngày các em phải dậy từ 5 giờ sáng xếp quần áo vào những bao hàng lớn, làm quần quật đến 23 giờ khuya mới được nghỉ ngơi, tắm giặt. Hỏi lương bổng ra sao thì chủ nhà quát vào mặt: "Chúng mày làm được bao nhiêu mà đã hỏi lương bổng? Tao phải trả cho thằng xe ôm 3 triệu mới nhận được chúng mày vào làm đấy. Hai tháng đầu làm không lương, tháng thứ 3 tao cho ứng rồi cuối năm mới tính lương một lần".
Người nữ xe ôm này đã cứu giúp cho hai em nhỏ thoát khỏi bàn tay kẻ xấu. |
Biết mình bị lừa gạt, hai em rất sợ. Cửa nhà khi nào cũng đóng kín, lại thêm 4 cái camera theo dõi nhất cử nhất động của người làm nên thật khó thoát thân. Hôm sau, nhân lúc chủ nhà đi vắng, hai em xin người quản lý cho ra ngoài mua ít đồ cá nhân và được đồng ý. Vừa bước ra khỏi cửa, hai đứa chạy vụt vào con hẻm. Chúng đói khát, thất thểu tìm ra đường lớn và gặp được chị Hà.
Hiểu được hoàn cảnh đáng thương, chị Hà dự định sẽ xin cho hai đứa trẻ làm ở tiệm tóc của một người quen để chúng có một cái nghề. Nhưng hàng xóm khuyên chị nên đưa hai đứa trẻ về lại gia đình vì chúng chưa đủ tuổi lao động, lại đang là học sinh. Có thể sau một phút nông nổi, gặp nạn thoát chết, lần này chúng sẽ hiểu ra và tu chí học hành. Sáng hôm sau, chị Hà liên hệ với gia đình đưa hai em về. Trước khi đi chị dúi cho mỗi em một bịch bánh.
Đây không phải lần đầu tiên chị Hà mở rộng vòng tay cứu người hoạn nạn. Chị không thể nhớ hết có bao nhiêu những cảnh đời, những phận nghèo được chị giúp đỡ, cưu mang. Trong căn phòng trọ chưa đầy 10m², chị sống thui thủi một mình.
Ngày ngày, chị chạy xe ôm kiếm miếng cơm cho mình và cho cả những phận người cùng khổ xung quanh. Chị có chồng và 4 đứa con nhưng duyên tình đứt gánh giữa đường, gia đình chia lìa đôi ngả. Các con của chị cũng lênh đênh khắp nơi, chẳng đứa nào giúp được gì. Chị gắn đời mình với nghề xe ôm, dù thiếu thốn nhưng được tự do, không phải lệ thuộc vào ai. Nếu có thể, sẽ giúp người hoạn nạn, âu cũng là niềm hạnh phúc.
Ông Minh với cây móc khóa dùng bắt cướp nhiều năm nay. |
"Thần hộ vệ" Làng đại học
Không nhà cửa, không vợ con, hơn mười năm qua, ông Nguyễn Văn Minh (55 tuổi) tắm nước Hồ Đá, ngủ bụi cây, ăn cơm vỉa hè, sống như một "Robinson" ở Làng đại học (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Sự hiện diện của ông như "thần hộ vệ" cho sinh viên trước hiểm họa khôn lường từ kẻ xấu.
Gia tài của ông Minh chỉ có chiếc xe máy giá hơn ba triệu và ba bộ quần áo được người ta cho. Từ ngày có phương tiện đi lại, ông bỏ nghề ve chai chuyển sang chạy xe ôm. Khách của ông là sinh viên và người già, thù lao sau mỗi cuốc chạy xe chỉ chục ngàn. Họ có trả thêm ông cũng không lấy, ông thường khoát tay: "Mấy đứa có tiền đâu mà đưa nhiều, nhiêu đây đủ ăn dĩa cơm rồi". Những lúc rảnh, ông Minh mang đồ nghề ra vỉa hè sửa xe miễn phí.
Trú ngụ tại đây nhiều năm, ông Minh phát hiện sinh viên qua con đường vắng vẻ ở Làng đại học thường bị chặn cướp tài sản. Ông Minh biết chuyện nên không để tên cướp nào thoát.
Riêng trong năm nay, ông Minh đã giải cứu được 5 vụ. Trong đó có một vụ ở khu vực trường bắn, hai nạn nhân bình an, còn ông bị 4 tên cướp bao vây rồi đâm một nhát thấu xương khuỷu tay. Hôm ấy vào buổi chiều chạng vạng, ông đang lượm ve chai thì nghe tiếng kêu hoảng loạn từ phía đồi cỏ, ông phát hiện bốn tên cướp đang kề dao vào cổ đôi tình nhân.
Sẵn có chiếc cây trong bao ve chai, ông Minh rút ra lao vào quất tới tấp đám cướp. Một tên rút dao "xỉa" vào người ông nhưng do né tránh kịp thời nên lưỡi dao chệch sang tay. Máu chảy rất nhiều, dù đau đớn nhưng ông Minh vẫn cố chống cự chờ người tiếp viện. Khi mọi người giải tán, ông Minh một mình tới trạm y tế băng bó.
Cả tuần sau, ông không thể chạy xe máy được. Vết sẹo ở tay phải chưa lành, ông Minh lại phát hiện vụ cướp nữa. Không suy nghĩ gì, ông lao vào đánh nhau với chúng và bị "ăn" cú rạch đứt gân tay trái. Cho đến bây giờ, vết thương vẫn âm ỉ, trái gió trở trời ông phải uống thuốc giảm đau.
Món quà lớn nhất của ông Minh là tấm giấy khen đã ố vàng. |
Bọn chúng cay cú lắm, hăm dọa ông Minh nhiều lần. Chúng lên kế hoạch trả thù ông Minh. Giáp Tết năm ngoái, tại bãi cỏ khu vực chợ đêm, 6 tên đi trên 3 chiếc xe gắn máy đồng loạt rú ga lao về phía ông Minh. Một tên dùng mã tấu chém xéo người, sượt xuống bắp chân trái. Máu phun ra, thấm ướt hết quần. Tên khác bồi thêm nhát chém bên bắp chân phải. Một đường dài như lưỡi kiếm lòi gân, máu tràn xuống đất. Ông Minh vẫn cố gắng quật được hai tên ngã khỏi xe. Thấy có tiếng hô của dân phòng đến ứng cứu, chúng hỗ trợ nhau lên xe tẩu thoát.
Chưa tha cho ông, lần sau chúng kéo một băng năm bảy tên đi cướp và bảo nhau nếu gặp ông Minh cản trở thì sẽ "xử đẹp". Lần đó, ông Minh vẫn xuất hiện. Chúng ỉ đông, quay lại tấn công. Một cú vụt mạnh như trời giáng vào mu bàn chân làm rách một đường dài.
Ông Minh không thể chạy được nữa liền hô mọi người trợ giúp. Sau khi bọn cướp tẩu thoát, người ta quay lại đưa ông Minh vào trạm xá băng bó vết thương. Ông phải mất cả tháng trời đi tập tễnh. Thời gian đó không đuổi được cướp, ông Minh theo dõi, sau đó báo công an.
Phải trả giá bằng máu, ông Minh không một lời ca thán, trái lại ông còn hào hứng: "Người ta đối chọi với cướp bằng dao, súng, côn..., riêng tôi bắt cướp bằng dây ổ khóa xe máy, mua hết 70 ngàn. Cùng với "ngón nghề" có sẵn, tôi đánh đâu trúng đó, không tên nào có thể chạy thoát dưới bàn tay của tôi đâu".
Ông Minh tự nhận mình là "sói đêm", lanh lẹ, nhạy bén và bản lĩnh. Ban đêm, ông lủi mình vào bụi cỏ, gốc cây ở khu vực Hồ Đá theo dõi các đối tượng khả nghi. Rồi một mình ông đi tuần dọc con đường vắng, ông dỏng tai nghe rất kỹ tiếng động xung quanh. Tai ông rất thính, chỉ cần nghe một tiếng kêu là ông đoán ngay phương hướng tìm tới. Nhiều sinh viên nữ đã thoát khỏi bàn tay dâm dục của kẻ xấu khi ông xuất hiện kịp thời.
Ông thường nói vui, nghề chính của mình là bắt cướp. Từ ngày sống ở Làng đại học, ông không nhớ đã chạm mặt bao nhiêu vụ cướp. Ông nhẩm đốt ngón tay: "Khoảng 50 vụ gì đó, không nhớ hết đâu". Nhiều người có ý giúp ông một công việc có nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng. Ông từ chối, với lý do duy nhất: "Tôi ở đây để bảo vệ sinh viên".
Với bề dày thành tích bắt cướp, cứu người nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Minh đã được Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tặng giấy khen. Hiện "món quà" quý ấy, ông treo cẩn thận trên thân cây, nơi ông thường mắc võng ngủ.
Bà con khu phố, chính quyền địa phương vô cùng trân trọng, yêu quý người đàn ông này. Thiếu tá Dương Đình Thanh, Phó trưởng Công an phường Tam Bình (Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ: "Lần đầu tiên tới trao phần thưởng cho anh Minh, tôi thấy trong anh toát lên khát vọng muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Anh không có mong muốn gì cho riêng mình, đây là một điều làm chúng tôi rất xúc động, cảm kích".
Nguồn: CSTC/Báo CAND