Phóng sự
'Bánh vẽ' từ các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài
15:16, 30/10/2017 (GMT+7)
Mặc dù các quy định về cấp phép hoạt động đối với phòng khám, chữa bệnh tư nhân đã được siết chặt trong những năm gần đây, song tình trạng hoạt động “lách luật”, vi phạm quy định khám, chữa bệnh vẫn diễn ra thường xuyên.
Nguy hiểm hơn là phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc hoạt động “chui” đã gây ra hệ lụy khôn lường đối với người bệnh...
Trục lợi từ người bệnh
Vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của bệnh nhân T.T.H về tình trạng “chặt chém”, “vẽ bệnh” của Phòng khám Đa khoa 3 tháng 2 (P.16, Q.11, TP Hồ Chí Minh). Theo đó, chị H. đến khám phụ khoa và được nhân viên hướng dẫn lên lầu gặp bác sĩ. Tại đây có hai người mặc áo blouse trắng, một người nói tiếng Trung Quốc. Sau khi khai bệnh, nhân viên phòng khám yêu cầu chị H. đi làm các xét nghiệm với giá 860 ngàn đồng. Kết quả kiểm tra cho thấy chị H. bị tổn thương cổ tử cung, có huyết trắng.
Bác sĩ tư vấn chị H. phải bơm thuốc tẩy độc huyết trắng và phẫu thuật cổ tử cung để sau này không bị vô sinh. Do bị “phán” bệnh quá trầm trọng, chị H. hoảng sợ nên đồng ý phẫu thuật với giá 15,8 triệu đồng. Những ngày sau phẫu thuật, chị H. phải đến phòng khám kiểm tra vết mổ và truyền dịch hết hơn 1 triệu đồng/ngày.
Cảm thấy quá trình điều trị không giống với phác đồ bác sĩ đã vẽ ra ban đầu, chị H. tới một bệnh viện lớn có uy tín khám lại thì bác sĩ nói chị không bị bệnh gì nghiêm trọng. Phẫu thuật là quá nguy hiểm và quá thừa. Bức xúc, chị H. quay trở lại phòng khám đòi lại tiền. Đại diện phòng khám thương lượng trả chị 10 triệu đồng nhưng chị H. không đồng ý.
Từ thông tin phản ánh của chị H., chúng tôi đã tới Phòng khám Đa khoa 3 tháng 2 trong vai người đi khám bệnh. Tuy nhiên, do thời gian gần đây, phòng khám này bị “lật tẩy” nhiều sai phạm nên từ bảo vệ đến nhân viên rất cảnh giác. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ hỏi tỉ mỉ về lai lịch người đến khám.
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra một phòng khám Trung Quốc. |
“Chị đã đặt lịch hẹn trước chưa? Chị đến khám bao nhiêu lần rồi?”.
Khi nghe chúng tôi trả lời, chưa đặt lịch và đến khám lần đầu, nhân viên im lặng hồi lâu rồi hỏi: “Chị muốn khám bệnh gì?”.
Chúng tôi nói muốn khám tổng quát, kiểm tra vùng bụng. Vừa nghe xong, hai nhân viên nhìn nhau rồi một người nói: “Ở đây chỉ khám phụ khoa và tai mũi họng, chị vui lòng đến phòng khám khác”. “Vậy chúng tôi muốn khám phụ khoa?”. Nhân viên trả lời: “Hiện bác sĩ đều kín lịch, phải đặt trước”. Một bệnh nhân đang ngồi ghế chờ tại phòng khám nói nhỏ với chúng tôi: “Đến lần đầu thì hơi khó, họ hỏi nhiều lắm”. Bệnh nhân này đang điều trị phụ khoa tại phòng khám theo liệu trình hai tuần. Chị đã trải qua một số công đoạn khám xét, phán bệnh và cũng mất một khoản tiền “mờ mắt”. Nhưng vì lỡ “đâm lao” nên phải theo.
Theo phản ánh của nhiều người, đây không phải lần đầu tiên phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lộng hành, “chặt chém” bệnh nhân. Trước đó, bệnh nhân nam tên H. (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng từng dở khóc dở cười khi đến Phòng khám Đa khoa 3 tháng 2. Anh H. đến khám bệnh trĩ và được phòng khám phẫu thuật trĩ. Giấy ra viện của phòng khám cấp cho anh H. với chẩn đoán “tiểu phẫu trĩ”, do bác sĩ người Trung Quốc ký.
Tuy nhiên, khi anh H. đem giấy xuất viện và hồ sơ bệnh án đến công ty bảo hiểm để làm thủ tục thanh toán bảo hiểm chi phí điều trị thì không được giải quyết với lý do là sau khi gửi công văn xác minh đến Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, công ty bảo hiểm nhận thấy Phòng khám Đa khoa 3 tháng 2 đã hoạt động sai phép. Theo công văn của Sở Y tế, Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa 3 tháng 2 chưa được phê duyệt kỹ thuật liên quan đến phẫu thuật trĩ.
Vậy thì, câu hỏi đặt ra là làm thế nào người bệnh biết được các phòng khám tư nhân hoạt động không đúng giấy phép, khám và chữa các loại bệnh không được cơ quan chuyên môn phê duyệt? Chưa kể phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động “chui” thì không thể lường trước được hậu quả.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Bá Hiệp, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Thống Nhất cho rằng: “Các phòng khám được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh và sắp tới khám cả Bảo hiểm y tế cho người dân thì cần phải đạt tiêu chuẩn theo quy định như: mặt bằng, trang thiết bị, phải có bác sĩ đứng tên toàn thời gian làm việc. Với các chuyên khoa cũng phải đòi hỏi bác sĩ chuyên môn giỏi, có bằng cấp rõ ràng và không làm tại bất cứ cơ sở công lập nào. Muốn người dân tin tưởng tìm đến các phòng khám uy tín, trước tiên phải cho họ biết chất lượng của đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ. Vấn đề làm sao để thông tin chính thống đến được người dân là rất khó, bởi các phòng khám sử dụng chiêu bài truyền thông, quảng cáo rầm rộ, người bệnh không biết đâu mà lần, dẫn đến đi nhầm địa chỉ, tiền mất tật mang”.
Hoạt động tinh vi, khó xử lý
Bác sĩ Nguyễn Bá Hiệp cho rằng cần phải có kênh thông tin chính thống để người dân tìm đúng địa chỉ khám, chữa bệnh. |
Theo quy định, đối với tất cả những người nước ngoài đến Việt Nam làm việc khám, chữa bệnh bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế Việt Nam cấp, trong đó có cả người phiên dịch.
Một bác sĩ Trung Quốc phải có riêng một thông dịch viên. Nếu đủ điều kiện, Bộ Y tế sẽ phê duyệt cấp chứng chỉ hành nghề cùng người phiên dịch; nếu thay thế người phiên dịch cũng phải xin phép. Thế nhưng, trong thực tế, không có phòng khám nào thực hiện đúng yêu cầu này và tình trạng “vẽ bệnh” qua việc chỉ định, điều trị thủ thuật, phẫu thuật để móc túi người bệnh vẫn diễn ra.
Tại phòng khám H.P (Q.10, TP Hồ Chí Minh), một số bệnh nhân đã bức xúc và bất bình trước nạn “chặt chém” không thương tiếc của bác sĩ. Lợi dụng tâm lý người bệnh khi đến khám đều mong khỏi bệnh hoặc có phác đồ điều trị hiệu quả, phòng khám đã “vẽ” ra một tương lai bệnh tật đầy đen tối cùng những câu phán “nảy đom đóm”, sau đó sẽ “móc túi” bằng luận điệu chuyên môn đầy thuyết phục.
Người bệnh tin vào những lời hoa mỹ, chấp nhận rút tiền chữa bệnh. Thường thì việc điều trị sẽ “sinh nở” và kéo dài theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Chỉ khi nào bệnh nhân kiệt quệ thì mới sực tỉnh và tin rằng mình bị lừa dối và kêu cứu.
Sau khi nhận được tin phản ánh của người dân, sáng ngày 11/10/2017, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra đột xuất Phòng khám Đa khoa Đại Đồng (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Đoàn kiểm tra ghi nhận phòng khám có người Trung Quốc hành nghề và phát hiện phòng khám tự ý bổ sung nhiều phòng lưu bệnh cùng phòng khám nằm ngoài danh mục được Sở Y tế phê duyệt.
Ngoài ra, phòng khám còn thay đổi vị trí phòng chuyên môn, trang thiết bị khác với bản thẩm định của Sở Y tế. Trang thiết bị không phù hợp theo tiêu chuẩn, phòng siêu âm không có máy siêu âm... Về hoạt động khám bệnh, phòng khám này không cung cấp đủ hồ sơ bệnh án bệnh nhân, bệnh án không ghi chép đầy đủ, không có chữ ký của bác sĩ điều trị và chữ ký của bệnh nhân...
Phòng khám đông y nhưng khi kiểm tra phát hiện nhiều bơm kim tiêm và vỏ thuốc tây |
Với những vi phạm nêu trên, Thanh tra Sở Y tế đề xuất với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử lý theo hướng đình chỉ hoạt động phòng khám này. Những vụ kiểm tra xử phạt của ngành chức năng chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”. Mặc dù Bộ Y tế đã liên tục chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cũng như hoạt động hành nghề y tư nhân, nhưng thực tế hậu kiểm vẫn cho thấy không ít cơ sở sai phạm.
Trả lời câu hỏi về thực trạng phòng khám có người Trung Quốc vi phạm thời gian dài nhưng không giải quyết dứt điểm, liệu có bao che? Ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thanh tra sở đang vừa hỗ trợ, vừa xử lý tối đa, công khai hết những mặt trái, mặt phải để các đơn vị nắm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, phòng khám Trung Quốc đã bị kiểm tra xử phạt nhiều lần nhưng các phòng khám này ngày càng hoạt động mang tính chất đối phó tinh vi.
Ông Trạng thông tin thêm, thời gian qua rất nhiều người phản ánh đến Sở Y tế họ bị phòng khám Trung Quốc thu tiền rất cao và vẽ vời bệnh nọ bệnh kia. Khi Thanh tra sở làm việc với bệnh nhân và yêu cầu phòng khám giải trình thì phòng khám lại thương lượng với bệnh nhân để họ viết cam kết không khiếu nại phòng khám. Vì vậy, công tác xử lý dẫn đến khó khăn.
Nguồn: Ngọc Thiện/CAND