Phóng sự
Hàng ngàn bằng lái bị 'bỏ quên' và 'liều thuốc'… đặc trị
15:10, 23/10/2017 (GMT+7)
Hàng ngàn bằng lái hay giấy phép lái xe (GPLX) ôtô, xe máy đang bị "bỏ quên" ở các đơn vị Cảnh sát giao thông (CSGT); người điều khiển phương tiện vi phạm không đến làm thủ tục giải quyết, nhận lại GPLX… đó là thực trạng đã và đang diễn ra khá phổ biến. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm đưa ra "liều thuốc" đặc trị. Có như vậy, tình trạng "nhờn" luật mới không tái diễn.
1 Thời gian qua, tại nhiều Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xuất hiện tình trạng "tồn kho" hàng ngàn GPLX ôtô, xe môtô của người điều khiển phương tiện trước đó vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các cán bộ ở bộ phận xử lý vi phạm của những đơn vị này luôn phải "căng mình" trong việc lưu giữ, bảo quản hồ sơ, biên bản xử lý đính kèm GPLX do "khổ chủ" không đến làm thủ tục nhận lại.
Hàng ngàn GPLX đang bị người vi phạm "bỏ quên" tại trụ sở CSGT. |
Có mặt tại trụ sở Đội CSGT số 2, chúng tôi chứng kiến phòng làm việc của bộ phận xử lý vi phạm đơn vị này có nhiều tủ đựng hồ sơ, biên bản đính kèm GPLX của người vi phạm. Mọi người tỏ ra lo ngại trước tình trạng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ "bỏ quên" GPLX ở đơn vị trong thời gian qua. Cầm trên tay các tập hồ sơ, biên bản vi phạm, chúng tôi "tá hỏa" khi có nhiều biên bản được lập cách đây 3-4 năm, song đến nay vẫn không thấy "khổ chủ" đến làm thủ tục giải quyết.
Chỉ tay vào các tủ đựng hồ sơ, biên bản vi phạm của đơn vị, Trung tá Lê Mạnh Hưng - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 cùng cán bộ bộ phận xử lý cho hay, hiện số GPLX ôtô, môtô, xe máy mà người điều khiển phương tiện đã "bỏ quên", không đến giải quyết tại trụ sở lên đến hơn 2.000 chiếc. Trong số này, chiếm đa phần là GPLX môtô, xe máy.
Đáng chú ý, theo Trung tá Lê Mạnh Hưng, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông sau khi tới lịch hẹn không thấy đến trụ sở làm thủ tục giải quyết, đơn vị đều gửi thông báo về địa chỉ mà người vi phạm trước đó khai báo. Tuy nhiên, những trường hợp này vẫn không đến trụ sở làm các thủ tục liên quan.
Tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, đại đa số các trường hợp vi phạm "bỏ quên" GPLX tại trụ sở các đơn vị CSGT, trước đó vi phạm các lỗi có mức xử phạt nặng như: vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, chở quá số người quy định... Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) nhấn mạnh, dù quá lịch hẹn, nhưng nếu người vi phạm vẫn đến giải quyết, nộp phạt theo quy định để nhận lại GPLX thì đơn vị luôn tạo điều kiện hết mức.
Việc "bỏ quên" GPLX ở các đơn vị CSGT như hiện nay là một trong những biểu hiện coi thường các quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông trước đó có hành vi vi phạm Luật Giao thông.
Bởi, theo Trung tá Lê Mạnh Hưng cũng như Trung tá Nguyễn Đức Huấn, có những trường hợp để lại GPLX từ những năm 2010, 2011 đến nay vẫn không đến giải quyết, mặc cho cơ quan chức năng nhiều lần gửi thông báo về địa chỉ mà người vi phạm đã cung cấp trước đó. Điều này cũng chứng minh một số ý kiến cho rằng: "Do người vi phạm bận công việc nên chưa thể đến giải quyết được" là hoàn toàn sai.
Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT. |
2 Như đã đề cập đến ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng GPLX bị "bỏ quên" diễn biến phức tạp như hiện nay là do trước đó không ít trường hợp vi phạm với lỗi có chế tài xử lý nặng. Song, thực tế cho thấy cũng phải kể đến số GPLX giả, tình trạng một người có 2-3 GPLX…
Theo Trung tá Nguyễn Đức Huấn, bởi vậy cho nên khi bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý, tạm giữ GPLX, nhiều trường hợp đã không ngần ngại… bỏ luôn tấm GPLX ở lại trụ sở CSGT. Về vấn đề này, Trung tá Lê Mạnh Hưng cũng cho rằng, hiện nhiều trường hợp vi phạm sau khi bị tạm giữ GPLX đã lợi dụng thủ tục cấp, đổi GPLX có phần hơi "thoáng", đã lách luật, làm hồ sơ xin cấp lại GPLX.
Đại diện Đội CSGT số 2 dẫn dụ: Ví như, anh A sau khi bị lập biên bản tạm giữ GPLX đã làm hồ sơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền B cấp lại GPLX với lý do: "Trước đó bị thất lạc". Tất nhiên, trong thời hạn quy định, nếu không xác định được anh A có bị tạm giữ GPLX, cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết - cấp lại cho anh A GPLX theo quy định hiện hành. Đấy còn chưa kể đến tình trạng, người điều khiển phương tiện vi phạm khi bị giữ GPLX ở tỉnh, thành này, đã làm thủ tục xin cấp lại GPLX ở địa phương khác.
Theo đánh giá của Cục CSGT, từ ngày 15-6-2012 đến ngày 16-3-2017, trên tuyến đường bộ, lực lượng CSGT đã kiểm tra và lập biên bản xử lý 44.525.814 trường hợp vi phạm; phạt tiền 25.419,6 tỷ đồng; tước 1.725.013 GPLX; tạm giữ 151.895 ôtô, 2.661.356 môtô và 55.795 phương tiện khác. Số liệu này đã cho thấy, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ đang diễn ra khá phức tạp.
Và hiện tượng "bỏ quên" GPLX tái diễn chắc chắn sẽ là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người điều khiển phương tiện tỏ ra "nhờn luật", do không bị răn đe, xử lý nghiêm một cách kịp thời. Qua thực tiễn chứng minh, khi người điều khiển phương tiện coi thường các quy định của pháp luật, không chấp hành nghiêm Luật Giao thông, tất yếu sẽ vi phạm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (TNGT), như: đi vào được cấm, sử dụng rượu bia quá mức quy định, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn đường v.v… là khó tránh khỏi.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an), trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã xảy ra hơn 12 ngàn vụ TNGT, làm chết 5.422 người và bị thương 10.534 người. So với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, có tới hơn 70% số vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, việc cố tình "bỏ quên" GPLX tại cơ quan chức năng của người vi phạm còn gián tiếp tạo điều kiện cho các đối tượng chuyên sản xuất, cung cấp GPLX giả có "đất sống". Điều này được chứng minh bởi không ít vụ sản xuất, mua bán, sử dụng GPLX giả bị lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian qua.
3 Theo quy định, lực lượng CSGT không có quyền ép người vi phạm đến làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính, mà chỉ được gửi giấy mời, thông báo đến người vi phạm, nên hiện tượng nhiều trường hợp vi phạm phớt lờ thông báo của cơ quan chức năng và "bỏ quên" GPLX tại trụ sở đơn vị CSGT diễn ra phổ biến.
Trung tá Nguyễn Đức Huấn cho hay, căn cứ theo những quy định hiện hành, có những loại hồ sơ, biên bản phải sau 5 năm, thậm chí là 10 năm, cơ quan chức năng mới được hủy, nên công tác lưu trữ hồ sơ, biên bản vi phạm của đơn vị luôn được chú trọng, dù nhiều trường hợp cố tình bỏ lại GPLX, không đến làm thủ tục nộp phạt theo quy định.
Vậy đâu là "liều thuốc" đặc trị tình trạng người vi phạm "bỏ quên" GPLX tại trụ sở các đơn vị CSGT như hiện nay? Theo Trung tá Lê Mạnh Hưng, trước hết, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao sự tự ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân, các cơ quan chức năng cũng cần phải đưa ra những văn bản quy định cụ thể về các chế tài xử lý đối với các trường hợp cố tình khai báo gian dối trong quá trình làm thủ tục xin cấp, đổi lại GPLX cũng như khi nhận được thông báo, chây ì, không đến làm thủ tục giải quyết xử lý vi phạm theo quy định.
Thứ đến, cần lưu tâm việc triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu chung từ việc xử lý vi phạm, tai nạn cho đến đăng kiểm phương tiện. Để từ đấy, những trường hợp cố tình gian dối trong quá trình làm hồ sơ xin cấp lại GPLX sẽ bị phát hiện xử lý kịp thời.
Dưới góc độ cơ sở pháp lý, Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT nêu ý kiến, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 còn một số bất cập cần khắc phục sớm.
Tình trạng mua bán, sử dụng GPLX giả sẽ có "đất sống" khi tình trạng "bỏ quên" GPLX tiếp tục tái diễn phổ biến. |
Điển hình, theo quy định tại Khoản 6, Điều 125 - Luật này, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: GPLX hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
Thực hiện quy định trên, lực lượng CSGT chỉ được tạm giữ một trong các loại giấy tờ liên quan đến người hoặc phương tiện vi phạm theo thứ tự ưu tiên (GPLX, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…).
Do đó, đối với một số hành vi vi phạm có quy định mức xử phạt tiền cao, đã xảy ra tình trạng người vi phạm bỏ giấy tờ không đến xử phạt, dẫn đến hồ sơ xử phạt tồn đọng ngày càng nhiều, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm. Bởi vậy, tới đây, các cơ quan chức năng cần sửa Khoản 6, Điều 125, quy định đối với một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, lực lượng chức năng được phép tạm giữ hai loại giấy tờ (GPLX và giấy tờ của phương tiện vi phạm). Qua đó, hạn chế tình trạng người vi phạm bỏ giấy tờ, không đến thi hành quyết định xử phạt.
Nguồn: Trần Huy/CAND