Phóng sự
Hệ lụy từ các chung cư xây dựng sai phép
10:36, 18/10/2017 (GMT+7)
Như một sự lờn luật và chây ì, bất chấp quy định, giấy phép, nhiều chủ đầu tư chung cư, biệt thự ở TP Hồ Chí Minh đã cố ý xây dựng sai phép, xây dựng thêm tầng, cơi nới diện tích để có thêm lợi nhuận tối đa. Đáng chú ý là thực trạng này đang có chiều hướng gia tăng với nhiều hệ lụy đằng sau…
100% cư dân đồng ý, chủ đầu tư mới được điều chỉnh dự án
Thời gian gần đây, việc các nhà đầu tư tự ý xây dựng sai phép, không phép, xây dựng thêm tầng, cơi nới... đang ngày càng nhiều trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, từ lúc khởi công đến khi hoàn thành các dự án này kéo dài nhiều năm nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Khi người dân có đơn tố cáo hoặc báo chí phản ánh thì mọi việc mới được cơ quan chức năng vào cuộc.
Về phía chủ đầu tư, khi mọi chuyện được phơi bày thì họ lại đi xin để được cấp phép hoặc cố ý chây ì tồn tại, khiến cho thực trạng xây dựng các công trình cao tầng, chung cư, biệt thự thêm phần phức tạp và rắc rối…
Điển hình về các sai phạm xây dựng xảy ra tại dự án Thảo Điền Sapphire do Công ty cổ phần TDS làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích 27.018,4m2 gồm 30 căn biệt thự cao 3 tầng (không kể tầng lửng tại trệt và tầng hầm).
Chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire đã xây tăng, vi phạm tổng diện tích lên đến gần 1.400m2. |
Ngày 27-4-2017, Đội Thanh tra địa bàn quận 2 thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện dự án Thảo Điền Sapphire đang xây dựng hàng loạt hạng mục sai nội dung giấy phép xây dựng số 95/GPXD ngày 18-6-2015 do Sở Xây dựng cấp. Cụ thể, chủ đầu tư đã xây tăng diện tích tầng trệt; vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích lên đến gần 1.400m2.
Trước các sai phạm trên, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt hành chính về hoạt động xây dựng đối với Công ty TDS số tiền 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire còn bị buộc đình chỉ thi công toàn bộ công trình vi phạm, tháo dỡ phần thi công sai nội dung giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư vẫn không thực hiện quyết định tháo dỡ sai phạm của mình. Chỉ đến khi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo quyết liệt, ra văn bản cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính thì Công ty TDS mới cho tháo dỡ những phần sai phạm. Động thái này chỉ diễn ra sau khoảng thời gian chủ đầu tư này cố ý kéo dài 5 tháng. Hành động tháo dỡ của Công ty TDS đã được Đội Quản lý trật tự đô thị quận 2 xác nhận vào ngày 26-9-2017.
Một công trình cũng "nổi cộm" không kém là chung cư Phúc Yên 2, ngay giao lộ Trường Chinh - Phan Huy Ích (số 31-33 Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình). Chung cư này có diện tích 12.545m2 do Công ty cổ phần Địa ốc và Đầu tư Phúc Yên (Công ty Phúc Yên) làm chủ đầu tư.
Mặc dù người dân đã vào đây sinh sống ổn định nhưng chủ đầu tư bất ngờ đưa thợ vào xây thêm tầng 18 với tổng diện tích là 1.627m2, trong đó, 1.095m2 xây dựng khu văn phòng, còn lại làm sân vườn.
Trước đó, dự án này đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, từ tăng tầng đến thay đổi công năng, tăng hệ số sử dụng đất… Các cư dân cho biết họ hoàn toàn không được tham vấn về việc thay đổi kết cấu của tòa nhà.
Theo các cư dân, chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ vào tháng 7-2015. Nhưng hai năm sau khi chung cư được đưa vào sử dụng, cư dân bất ngờ nhận được thông báo của chủ đầu tư đề nghị hợp tác, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thiện tầng 18.
Không đồng ý với việc thi công thêm tầng này, hàng trăm cư dân chung cư Phúc Yên 2 nhiều lần yêu cầu Công ty Phúc Yên họp cư dân để giải quyết, nhưng phía Công ty không thực hiện và chỉ cho biết phần xây dựng thêm đã được cấp phép.
Theo đại diện Công ty Phúc Yên, chung cư Phúc Yên 2 được Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh phê duyệt vào năm 2013 với quy mô 18 tầng. Dự án được thi công sau đó nhưng do gặp nhiều vấn đề nên Công ty đã bàn giao nhà cho khách hàng trước khi kịp xây tầng 18. Hiện Công ty đang hoàn tất hồ sơ để thi công hạng mục này.
Theo tìm hiểu, chung cư Phúc Yên 2 được Sở Xây dựng thành phố cấp phép ngày 27-3-2008 với quy mô 2 tầng hầm và 17 tầng nổi, chức năng thương mại - văn phòng. Dự án "giậm chân tại chỗ" một thời gian dài và sau đó Công ty Phúc Yên xin điều chỉnh dự án thành chung cư, tăng thêm tầng 18 và quy mô dân số lên 1.876 người.
Sau nhiều văn bản theo hướng chấp thuận của các cơ quan như Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, UBND phường 15 và quận Tân Bình, ngày 23-5-2017, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 642/QĐ-SXD-TĐDA phê duyệt điều chỉnh dự án với quy mô 18 tầng, 252 căn hộ.
Đáng nói, Văn bản số 565 ngày 18-12-2015 của UBND phường 15, quận Tân Bình về việc tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư thống nhất điều chỉnh đạt 100%. Song, các cư dân cho rằng họ không hề được ai lấy ý kiến (!?).
Trước vấn đề này, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc họp với Công ty Phúc Yên và yêu cầu đơn vị này muốn triển khai dự án cần phải xin ý kiến cư dân về nội dung điều chỉnh và biện pháp thi công. Nếu 100% cư dân đồng ý thì chủ đầu tư mới được thi công. Còn khi chủ đầu tư không đạt được thỏa thuận với cư dân thì dự án sẽ phải hủy bỏ.
Công trình vi phạm giống như bom nổ chậm
Liều hơn chung cư Phúc Yên 2 là dự án Tân Bình Apartment (dự án tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình - số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình) do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư), Công trình Block 2 theo giấy phép chỉ được phép xây 14 tầng nhưng chủ đầu tư xây lên… 18 tầng.
Dự án Tân Bình Apartment tiền thân là dự án nhà ở thương mại, sau đó chủ đầu tư chuyển đổi công năng 88 căn hộ thương mại thành 168 căn hộ nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội này trước đó đã thi công sai thiết kế được phê duyệt. Cụ thể, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiểm tra và phát hiện dự án xây vượt tầng với tổng diện tích tăng thêm đến gần 2.000m2. Cụ thể, chủ đầu tư tự ý xây thêm hai tầng 17 và 18, xây bít một ô thông tầng, một tầng mái để tạo thêm hai tầng, nhằm tăng thêm 28 căn hộ.
Từ đó, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, đình chỉ thi công toàn bộ công trình và buộc chủ đầu tư phải tự tháo dỡ toàn bộ phần diện tích xây dựng sai thiết kế được phê duyệt và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Chính vì những sai phạm này mà chủ đầu tư đã chậm bàn giao nhà một thời gian dài, khiến nhiều người mua chung cư bức xúc khiếu nại.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy định hiện nay không bắt buộc chủ đầu tư phải lấy ý kiến khách hàng khi điều chỉnh quy hoạch dự án vì Thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tranh chấp phức tạp xảy ra trong tương lai, Sở Xây dựng vẫn yêu cầu các chủ đầu tư lấy ý kiến đảm bảo 100% khách hàng đồng thuận mới xem xét điều chỉnh.
Dự án chung cư Gia Phú vẫn chưa hoàn thiện nhiều năm nay. |
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, khi chủ đầu tư dự án Tân Bình Apartmentxin điều chỉnh tăng hệ số tầng cao, Sở đã buộc chủ đầu tư tham khảo ý kiến khách hàng. Kết quả khách hàng không đồng thuận. Sở đã không duyệt điều chỉnh theo yêu cầu của chủ đầu tư, buộc phải phá dỡ các hạng mục sai phạm. Đây là cái giá chủ đầu tư phải trả cho hành vi sai trái của mình.
Một dự án cũng ầm ĩ không kém là dự án chung cư Đạt Gia Residence (đường Cây Keo, thuộc khu phố 1, phường Tam Phú, quận Thủ Đức) rộng 27.823m2, gồm hai block căn hộ cao 21 tầng, 1 block trung tâm thương mại cao bảy tầng với quy mô 1.034 căn hộ.
Trước đây dự án này bị cơ quan chức năng yêu cầu ngưng thi công xây dựng công trình để điều tra về việc dự án có hành vi xây dựng sai thiết kế, xây trái phép 1.448,5m2, sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Trên đây chỉ là một vài công trình điển hình trong vi phạm xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn, công trình nhà cao tầng xây dựng sai phép hiện nay chiếm tỷ lệ cao hơn gấp nhiều lần so với công trình nhà ở riêng lẻ. Cụ thể là vi phạm đối với diện nhà ở riêng lẻ trong dân chỉ chiếm 2-3%, trong khi nhà cao tầng có tỷ lệ vi phạm đến 10%. Và điều đáng lo là các quận huyện được giao quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn nhưng lại không có bộ máy thực thi nhiệm vụ.
"TP Hồ Chí Minh hiện có 145 công trình nhà cao tầng đang thi công, trong đó qua kiểm tra, có 15 công trình vi phạm. Có công trình vi phạm rất nghiêm trọng. Cái này giống như quả bom nổ chậm, không biết sẽ "nổ" ra lúc nào, trong khi lực lượng ở chỗ tại các quận huyện còn quá mỏng", ông Trần Trọng Tuấn cho hay.
Một vấn đề được dư luận chú ý là việc nhiều dự án nhà ở cao tầng trong thời gian gần đây xây dựng sai phép, trái phép nhưng không được xử lý dứt điểm mà Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vẫn cho phép chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế hoặc hợp thức hóa vi phạm, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, không bao che cho chủ đầu tư mà chỉ xem xét theo quy định pháp luật.
Ông Trần Trọng Tuấn cũng khẳng định, mục tiêu năm 2017 sẽ bảo đảm 100% công trình vi phạm phải được kiểm tra, xử lý theo quy định để ngăn chặn từ sớm, không để cảnh âm thầm làm hoàn thành rồi mới vào cuộc xử lý.
Vẫn theo ông Tuấn, trách nhiệm kiểm tra, quản lý địa bàn, trong đó có hoạt động xây dựng là của cấp quận huyện; trong khi đó quận huyện không còn quản lý lực lượng thanh tra xây dựng, không có bộ máy thực hiện công vụ.
"Lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay thuộc Sở Xây dựng. Theo Luật Thanh tra, thanh tra chỉ được tổ chức ở hai cấp là Trung ương và các tỉnh, thành phố. TP Hồ Chí Minh rất muốn chuyển thanh tra xây dựng cho các quận huyện nhưng phải làm theo luật", ông Tuấn nói.
Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng theo hướng toàn diện hơn. Bên cạnh việc kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi xây dựng sai phép, không phép, Sở sẽ kiểm tra toàn diện hơn để kịp thời xử lý vi phạm theo quy định.
Nguồn: Phú Lữ/CAND