Phóng sự
Câu chuyện cúi đầu
09:31, 21/10/2017 (GMT+7)
Ông người Nhật - chủ cây xăng ngoại cúi đầu dưới mưa làm khách mua xăng Việt rung động. Họ tán dương ông như biểu tượng của sự phục vụ tận tình và chê quê nhà phục vụ cửa quyền. Không thấy ai nói chuyện đội mưa là rất có hại cho sức khỏe. Có thể ông ấy cũng biết rằng, hy sinh chút sức khỏe mà đem lại hiệu ứng xã hội cao thì đó là lợi nhuận.
Có nên ủng ngoại phê nội không? Có thực sự nhân viên trạm xăng nội không biết tôn trọng người mua không? Theo quan sát cá nhân thì người bán hàng hiện nay không chỉ là tôn trọng khách hàng mà còn ở mức sợ hãi khách hàng. Theo văn hóa Việt thì còn nhiều hơn mức cúi đầu.
Minh họa của Tả Từ. |
Mọi người đã quên quá nhanh hình ảnh mậu dịch viên hống hách thời bao cấp. Sau mở cửa, dịch vụ đã lột xác nhanh chóng đến mức họ đều tin rằng khách hàng là thượng đế. Có thể là hơi quá. Một số nơi kiềm chế gọi là ân nhân. Còn mấy tay doanh nhân thì thực tế hơn, gọi khách hàng là ông chủ trả lương cho chúng ta.
Có thể dễ dàng nhận thấy những ông chủ mới đã ý thức được vị thế mới của mình. Có tiền mua tiên cũng được. Nghĩa là cứ bỏ tiền ra thì có thể đảo lộn mọi trật tự theo riêng mình, không cần đếm xỉa tới người khác. Người bán hàng trở nên sợ hãi khách hàng.
"Thượng đế" không cần đỗ xe máy vào cửa hàng mà chỉ cần đỗ ngoài đường rồi hất hàm: “Ê... cho tao 1 bao thuốc”. Người bán chạy rẽ đất ra đưa. Người mua trở thành một thế lực sử dụng dịch vụ kiểu vô lối. Văn hóa bán hàng đã tiến bộ nhưng văn hóa mua hàng thì tiến tới một bước tệ hại hơn nhiều.
Nói các trạm xăng nội coi thường khách là sai tới... mấy dặm. Nhân viên trạm xăng nội tuy không cúi đầu nhưng khách tệ đến đâu vẫn bán, dù họ chen ngang đè ngửa, đỗ xe vô lối. Phải nói là quá sợ hãi khách ấy chứ. Hiếm có nhân viên trạm xăng nội nào hé răng nhắc khách chen ngang. Họ sợ nếu nhắc nhở thượng đế đó về văn hóa tôn trọng người khác thì một lúc sau sẽ thấy thượng đế bật lửa "tìm nguồn sáng" giữa trạm xăng.
Ở những nước văn minh, người bán hàng chỉ phục vụ người đến trước vì họ không thể chấp nhận sự ngông nghênh của thượng đế. Thượng đế nào quá đáng sẽ bị đối xử thậm chí bằng cơ bắp.
Thực ra sự cúi đầu của ông người Nhật là một cử chỉ rất bình thường và việc này không chỉ ở Nhật. Các khu mua sắm ở các thành phố Trung Quốc, Hàn Quốc người ta đều chào khách kiểu này. Họ hay bố trí khoảng 20 cô đẹp đứng 2 hàng cúi đầu đồng thanh nói "Chào mừng quý khách! "từ lúc đi vào siêu thị cho tới khi bước chân ra. Mải gì đó mà không để ý thì nghe chúc mừng mà giật bắn cả mình.
Cúi đầu là sự tôn trọng khách và tôn trọng mình. Người Nhật cho rằng "bông lúa chín là bông lúa cúi đầu". Đó là văn hóa của họ. Có cần thiết phải học họ một cách máy móc không? Người Nhật xưa có truyền thống chịu trách nhiệm việc mình làm, nếu thất bại, họ tự mổ bụng để cho thấy lòng sáng lòa như nhật nguyệt. Ai có muốn học khoản này không?
Quan trọng nhất là chất lượng xăng thế nào chứ không phải là cúi đầu thấp bao nhiêu. Nếu chỉ là cạnh tranh hình thức thì dễ quá. Họ đứng cúi thì mình ngồi quỳ. Họ ngồi quỳ thì mình nằm phục xuống như... ông tế.
Còn bạn. Bạn quan tâm tới chất lượng và minh bạch hay quan tâm tới sự cung kính?
Nguồn: CAND